Huyệt ngoài kinh là những huyệt không thuộc vào 12 kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc. Một số Huyệt ngoài kinh nằm ngoài các đường kinh, nhưng một số huyệt lại nằm trên đường đi của các kinh mạch chính mà không thuộc đường kinh đó.
Huyệt ngoài kinh đầu mặt
1/ Tứ Thần Thông
Vị trí: Ở 4 phía huyệt Bách hội, cách 1 tấc đồng thân (Tư sinh)
Xác định huyệt Bách hội, là giao điểm của đường dọc giữa đầu và đường nối 2 đỉnh loa tai
Tác dụng: Nhức đầu, trúng phong, choáng váng, điên giản, mất ngủ.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tê, tức tại chỗ hoặc lan rộng một vùng đầu.
2/ Ấn đường
Vị trí: Lấy ở điểm chính giữa đường nối hai đầu lông mày, thẳng sống mũi lên.
Tác dụng: Đau đầu, bệnh ở mũi, kinh phong trẻ em, co giật.
Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Nghinh hương, Hợp cốc để chữa Viêm mũi. Khi cần cứu không được gây bỏng, khi châm có thể nặn ra vài giọt máu khi bệnh giãm chậm.
3/ Ngư yêu
Vị trí: Lấy ở điểm gặp nhau của đường ngang chia đôi lông mày và đường dọc qua chính giữa ổ mắt.
Tác dụng: Mắt có màng, đau mắt đỏ, nhắm mắt không kín.
Cách châm cứu: Châm 0,1-0,3 tấc, luồn kim dưới da và hướng mũi kim sang hai bên, không cứu.
4/ Thái dương
Vị trí: Lấy ở chỗ lõm phía sau ngoài đuôi mắt 1 tấc, sát cạnh ngoài của mỏm ổ mắt xương gò má, ấn vào có cảm giác ê tức, có lúc nhìn rõ mạch máu nhỏ nổi lên.
Tác dụng: Đau đầu, bệnh của mắt.
Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc, hoặc chích vào mạch máu nhỏ ở huyệt cho ra 1 giọt máu, không cứu.
5/ Nhĩ tiêm
Vị trí: Gấp vành tai về phía trước, lấy huyệt ở chỗ nhọn của 2 nửa vành tai gấp vào nhau, chỗ cao nhất.
Tác dụng: Chữa mắt có màng.
Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc, cứu 5-7 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức nhiều tại chỗ hoặc nóng ran ở vành tai.
6/ Nội nghinh hương
Vị trí: Ở trong lỗ mũi (Đại thành). Lấy ở trên lớp niêm mạc bên trong lỗ mũi.
Tác dụng: Sưng, nóng mắt gây đau dữ dội.
Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích nhanh nông vào huyệt cho ra chút máu. Không cứu.
Chú ý: Châm đắc khí thấy đau tức tại chỗ và có phản xạ hắt hơi.
7/ Tụ Tuyền
Vị trí: Ở trên lưỡi, thè lưỡi ra thấy có khe lõm ở giữa lưỡi là huyệt (Đại thành). Lấy ở trên nếp gấp dọc giữa của mặt trên lưỡi, khi thè lưỡi ra khỏi miệng thì ở khoảng giữa nếp gấp có một chỗ lõm nhỏ là huyệt.
Tác dụng: Lưỡi có rêu, lưỡi cứng, Hen, suyễn, ho và ho lâu không khỏi.
Cách châm cứu: Châm 0,1-0,2 tấc, châm nhanh và cho ra vài giọt máu (chữa lưỡi sưng, lưỡi có rêu). Cứu cách gừng 5-7 phút, cứu xong nhai nhỏ miếng gừng rồi nuốt với một ngụm nước chè (chữa ho, hen).
8/ Hải tuyền
Vị trí: Ở trên mạch khoảng giữa phía dưới lưỡi (Đại thành). Lấy ở trên nếp hãm lưỡi ở dưới lưỡi, giữa hai huyệt Kim tân và Ngọc dịch.
Tác dụng: Tiêu khát.
Cách châm cứu: Dùng kim nhỏ châm rút ngay cho ra máu. Không cứu.
9/ Kim Tân (trái) Ngọc Dịch (phải)
Vị trí:- Ở trên mạch hai bên phía dưới lưỡi (Đại thành).
- Lấy ở tĩnh mạch nổi rõ 2 bên lưỡi, ở mặt dưới lưỡi, bên trái là huyệt Kim tân, bên phải là huyệt Ngọc dịch.
Tác dụng: Lưỡi sưng đau, lưỡi cứng, họng tắc, Nôn mửa, tiêu khát.
Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích cho ra máu. Không cứu.
10/ Bách Lao
Vị trí: Lấy huyệt Đại chùy đo lên 2 tấc, rồi đo ngang ra 1 tấc là huyệt.
Tác dụng: Đau cứng gáy, tràng nhạc, Suy nhược, lao phổi.
Cách châm cứu: Cứu 10-20 phút.
Huyệt ngoài kinh chi trên
11/ Bát Tà
Vị trí: Ở kẽ 5 ngón tay, mỗi bên có 4 huyệt. Lấy ở kẽ các ngón tay, trên đường tiếp giáp da gan tay-mu tay, ngang với khe khớp xương bàn tay-ngón tay.
Tác dụng: Tê sưng bàn tay, liệt ngón tay do trúng phong, Đau đầu, đau răng (Đại đô); Đau sưng cánh tay (Thượng đô, Trung đô, Hạ đô).
Cách châm cứu: Châm 0,1-0,5 tấc, chữa sưng đau có thể chích ra máu.
Cứu 5-10 phút.
12/ Đại Cốt Không
Vị trí: Ở trên đốt ngón tay cái, gấp đầu ngón tay lại thời huyệt ở ngay chỗ lõm trên đầu đốt (Đại thành).
- Lấy ở chính giữa mặt sau khớp đốt 1 và đốt 2 ngón tay cái gấp đầu ngón cái thì có chỗ lõm.
Tác dụng: Chữa đau mắt lâu ngày, mắt có màng.
Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.
13/ Kiên Trụ Cốt
Vị trí: Ở tại đầu xương vai, chỗ lồi nhọn lên (Đại thành). Lấy ở đầu ngoài xương đòn, chỗ đầu xương đòn nổi lên cao nhất trên khớp cùng-vai-đòn.
Tác dụng: chữa tay không cử động được, tràng nhạc.
Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.
14/ Nhi Bạch
Vị trí: Ở nếp gấp khớp cổ tay thẳng lên 4 tấc, mỗi tay có 2 huyệt ngang nhau, một huyệt ở trong gân, giữa hai gân, tức sau huyệt Giản sử 1 tấc; một huyệt ở ngoài gân (phía quay) ngang với huyệt trên. Một huyệt lấy ở bờ trong, một huyệt lấy ở bờ ngoài cơ gan tay bé và đều cách khớp cổ tay 4 tấc.
Tác dụng: Chữa trĩ và lòi dom.
Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 10-15 phút.
Chú ý: Không kích thích quá mạnh, có thể làm tổn thương bó mạch thần kinh giữa.
15/ Ngũ Hổ
Vị trí: - Ở tại đốt thứ hai ngón tay trỏ và ngón nhẫn, nắm tay lại để lấy huyệt (Đại thành).
- Lấy ở chính giữa mặt sau khớp đốt 1 và đốt 2 của ngón tay trỏ và ngón nhẫn.
Tác dụng: Chữa 5 ngón tay co quắp.
Cách châm cứu: Cứu 5-10 phút.
16/ Tiểu Cốt Không
Vị trí: Ở tại đầu đốt thứ 2 ngón tay út (Đại thành). Lấy ở giữa mặt sau khớp đốt 1 và đốt 2 ngón tay út.
Tác dụng: Chữa đau các khớp ngón tay bàn tay, Đau mắt.
Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.
17/ Thập Tuyên
Vị trí: Ở tại 10 đầu ngón tay, cách móng tay 1 phân (Đại thành). Lấy ở đỉnh cao nhất giữa 10 đầu ngón tay.
Tác dụng: Sốt cao, viêm amidan cấp, cấp cứu ngất hôn mê.
Cách châm cứu: Dùng kim tam lăng chích nhanh từng huyệt rồi nặn ra 1 giọt máu (chữa viêm amidan cấp), hoặc dùng hào châm lần lượt châm từng huyệt sâu 0,1 tấc, vê mạnh, ngừng 1 lát rồi rút kim, tỉnh thì thôi (trường hợp cấp cứu).
18/ Trung Khôi
Vị trí: Ở tại đốt thứ 2 ngón tay giữa, gập ngón tay lại để lấy huyệt (Đại thành). Lấy ở mặt sau khớp đốt 1 và đốt 2 ngón tay giữa.
Tác dụng: Chữa ăn xong là mửa, nghẹn, nấc.
Cách châm cứu: Cứu 10-15 phút.
19/ Trung Tuyền
Vị trí: Ở chỗ lõm trên cổ tay phía mu tay, khoảng giữa hai huyệt Dương khê và huyệt Dương trì (Đại thành). Lấy ở mặt sau khớp cổ tay, giữa gân cơ ruỗi chung các ngón tay và gân cơ ruỗi dài riêng ngón tay cái; khi ngữa bàn tay ra sau thì hai gân làm thành một chỗ lõm nằm giữa hai huyệt Dương khê và Dương trì.
Tác dụng: Chữa đau vùng tim, đau bụng không chịu nổi.
Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-7 phút.
20/ Tứ Phùng
Vị trí: - Ở tại đốt giữa 4 ngón tay (Đại thành)
- Lấy ở giữa nếp gấp mặt trước khớp đôt 1 và đốt 2 của các ngón tay 2,3,4 và 5.
Cách châm cứu: dùng kim tam lăng chích nặn máu , không cứu.
0 Nhận xét