Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với Kinh Thủ Quyết Âm Tâm Bào. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 9 giờ tối đến 11 giờ tối.
1/ Tên Của Đường Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu
Tên tiếng việt: Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu
Tên tiếng anh: The San Jiao Meridian/ Shaoyang Sanjiao Meridian of Hand/ Shaoyang Triple Energizer Meridian of Hand
Tên tiếng Trung: 手少阳三焦经 三焦经 三焦經 / 手少陽三焦經
![]() |
Hình Minh Họa Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu |
2/ Đường đi của Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu
- Bắt đầu từ phía ngoài ngón tay 4 (Quan xung) lên kẽ xương bàn 4 và 5.
- Dọc theo mu tay đến cổ tay.
- Lên khoảng giữa 2 xương cẳng tay ở khu cẳng tay sau, qua khuỷu tay, lên khu cánh tay sau qua mặt giữa cơ tam đầu đi lên vai.
- Qua cơ thang, vùng trên bả vai chạy lên cơ đi lên theo cơ ức đòn chũm lên xương chũm,
- Vòng quanh tai, đến chỗ chũn ngang trước nhĩ bình ( nắp tai) tận cùng phía ngoài lông mày (Ty trúc không)
- Từ hõm vai có 1 nhánh đi vào ngực lạc với tâm bào lạc qua cơ hoành đến thượng trung hạ.
![]() |
Minh Họa Đường Đi Của Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu |
3/ Biểu hiện bệnh lý:
Kinh bị bệnh: Tai điếc, tai ù, thanh quản họng sưng đau, mắt đau, má sưng, sau tai,vai, cánh tay mặt ngoài khuỷu đau, ngón đeo nhẫn vận động khó.
Phủ bị bệnh: Bụng đầy chướng, bụng dưới cứng, đái không thông, đái són, đái rắt, phù.
4/ Trị các chứng bệnh:
Ở tai, đầu, mắt, họng, sốt.
5/ Sinh lý
- Chữ tiêu có nghĩa là cháy khét nhưng lại đứng trước chữ tam, nên ý nghĩa là đứng đầu, là to lớn như chữ nguyên. Cho nên nói Tam tiêu phân ra làm thượng, trung, hạ mỗi tiêu đều có 2 đường khí đạo của nó giống như tam nguyên, thiên , địa, nhân, mỗi ngôi đều có 1 nguyên khí.
- Chữ tiêu ngày xưa còn có ý nghĩa là màn mỡ, tam tiêu chính là màn mỡ lớn phủ khắp cơ thể
- Nội kinh viết ” Tam tiêu là quan năng khai ngòi nước, thủy đạo xuất ra từ đây”
- Nạn kinh viết´” Tam tiêu là đường lối của thức ăn, là chỗ khí luôn chuyển đi về”
- Linh khu nói “Đồ ăn có 5 vị vào miệng đều dồn vào bể chứa của nó, tân dịch được tao ra và theo đường lối riêng, tam tiêu đưa khí ra làm ấm long bắp thịt, tân dịch ra nuôi dưỡng bì phu
- Tam tiêu có công năng chính là: chủ trì các khí, lưu thong khí huyết tân dịch. Thông điều đường nước.
Thượng tiêu:
- Vị trí từ dưới lưỡi đến miệng trên môn vị: lồng ngực và 2 tạng tâm phế, tâm bào.
- Phân bố khí đi khắp nơi làm ấm da dẻ, nuôi thân thể, mượt tóc.
- Còn có công năng chủ thu nạp.
- Thượng tiêu không thông lợi gây ra suyễn đầy:
+ Hư hàn: tinh thần không yên, đoản hơi, nói không ra tiếng.
+ Thực chứng: ngực bế tắc, đổ mồ hôi chán, lưỡi khô họng sưng, suyễn đầy.
Trung tiêu:
- Vị trí từ miệng trên vị tới miệng dưới vị
- Bao gồm có tỳ và vị
- Trung tiêu như bọt nước sủi lên.
- Chức năng bao gồm: thu nạp ngũ cốc khí, lọc cặn bã, chưng tân dịch,
- Trung tiêu không thông sẽ gây thủy âm ngưng trệ mà bụng đầy:
+ Hư hàn: bụng đau ruột sôi, tiểu lỏng mà không thong, bụng đầy
+ Thực chứng: bụng đầy chướng, không mửa, ko đi cầu , suyễn cấp.
Hạ tiêu:
- Vị trí từ dưới miệng môn vị đến tiền âm và hậu âm.
- Gồm phần bụng dưới, can, thận, đại tiểu trường, bang quang.
- Hạ tiêu như ngòi rãnh là chỗ nước chảy ra.
- Công năng chủ yếu là thấm thủy dịch xuống, gạn lọc ra thanh trọc, bài tiết ra đại tiểu tiện.
- Hạ tiêu không thong lợi thì gây phù nề:
+ Hư hàn: đại tiện lỏng không dứt, tiểu tiện trong dài hoạc són đái, bụng đày phù nề.
+ Thực nhiệt: đại tiểu tiện không thong đi ngoài ra máu.
6/ Các huyệt trên đường Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu
Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu gồm có 23 huyệt ở một bên, tổng cộng là 46 huyệt 2 bên của cơ thể:
- Quan xung/ TE1 / Guanchong / 关冲
- Dịch môn/ TE2 / Yemen / 液门
- Trung chữ/ TE3 / Zhongzhu / 中渚
- Dương trì/ TE4 / Yangchi / 阳池
- Ngoại quan/ TE5 / Waiguan / 外关
- Chi câu/ TE6 / Zhigou / 支沟
- Hội tông/ TE7 / Huizong / 会宗
- Tam dương lạc/ TE8 / Sanyangluo / 三阳络
- Tứ độc/ TE9 / Sidu / 四渎
- Thiên tỉnh/ TE10 / Tianjing / 天井
- Thanh lãnh uyên/ TE11 / Qinglengyuan / 清冷渊
- Tiêu lạc/ TE12 / Xiaoluo / 消泺
- Nhu hội/ TE13 / Naohui / 臑会
- Kiên liêu/ TE14 / Jianliao / 肩髎
- Thiên liêu/ TE15 / Tianliao / 天髎
- Thiên dũ/ TE16 / Tianyou / 天牖
- Ế phong/ TE17 / Yifeng / 翳风
- Khế mạch/ TE18 / Chimai / 瘈脉
- Lư tức/ TE19 / Luxi / 颅息
- Giác tôn/ TE20 / Jiaosun / 角孙
- Nhĩ môn/ TE21 / Ermen / 耳门
- Hòa liêu/ TE22 / Erheliao / 耳和髎
- Ty trúc không/ TE23 / Sizhukong / 丝竹空
7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên Kinh Tam Tiêu
1. Quan xung
Ý nghĩa: Quan = cửa ải; Xung = xung yếu. Ý chỉ rằng kinh mạch làm cho khí huyết mạnh lên . Huyệt là cửa ải của 2 huyệt Thiếu Xung (Tm.1) và Trung Xung (Tb.9), vì vậy gọi là Quan Xung (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt Tỉnh, thuộc hành Kim.
Vị Trí : Ở bờ trong ngón tay áp út, cách chân móng 0,1 thốn.
Tác dụng: Đau tay, đau bụng, nứt lưỡi, đau nặng đầu, phiền táo, sốt không ra mồ hôi.
Thủ thuật: Châm 0,1 tấc. Bệnh cấp nặn 1 giọt máu. Cứu 3 phút.
2. Dịch môn
Ý nghĩa: Châm huyệt này có tác dụng tăng tân dịch, vì vậy gọi là Dịch Môn (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt Vinh, thuộc hành Thủy.
Vị Trí: Giữa xương bàn ngón tay thứ 4 và 5, nơi chỗ lõm ở kẽ ngón tay, ngang phần tiếp nối của thân với đầu trên xương đốt ngón tay.
Tác dụng: Đau bàn tay, đau cánh tay, sưng đau họng, điếc, đau mắt, sốt rét.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 7 phút.
3. Trung Chữ
Ý nghĩa: Huyệt ở giữa (trung) chỗ lõm khe xương bàn - ngón tay 4 - 5, giống hình bãi sông (Chử), vì vậy gọi là Trung Chử.
Đặc Tính: Huyệt Du, thuộc hành Mộc, huyệt Bổ.
Vị Trí: Trên mu tay, giữa ngón tay xương bàn tay thứ 4 và thứ 5, trong chỗ lõm trên kẽ ngón tay 1 thốn.
Tác dụng: Ngón tay co ruỗi khó khăn, đau cánh tay, sưng họng, ù điếc tai, mắt có màng, đau đầu, sốt không ra mồ hôi.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 7 phút.
4. Dương trì
Ý nghĩa: Huyệt ở chỗ lõm, giống hình cái ao (tù) ở mu cổ tay (mặt ngoài = Dương) vì vậy gọi là Dương Trì.
Đặc Tính:
+ Huyệt Nguyên.
+ Châm đặc biệt trong trường hợp khát nước, cổ tay đau âm ỉ.
+ 1 trong 14 Yếu Huyệt để điều chỉnh hạ tiêu (Châm Cứu Chân Tủy).
Vị Trí: Ở chỗ lõm trên lằn ngang khớp xương cổ tay, khe giữa gân cơ duỗi chung ngón tay và cơ duỗi riêng ngón tay trỏ, khe giữa đầu dưới xương quay và xương trụ.
Tác dụng: Đau sưng cổ tay, đau tay, đau vai, điếc tai, đau họng, đau mắt, sốt rét, tiêu khát.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 7 phút.
5. Ngoại quan
Ý nghĩa: Huyệt ở phía ngoài so với huyệt Nội Quan, vì vậy gọi là Ngoại Quan (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính:
+ Huyệt Lạc nối với kinh Quyết âm Tâm bào.
+ 1 trong Bát Hội Huyệt (huyệt giao hội với Dương Duy Mạch).
+ Biệt Tẩu của kinh Quyết Âm.
Vị Trí: Trên lằn chỉ cổ tay 2 thốn, giữa xương quay và xương trụ, ở mặt giữa sau cánh tay.
Tác dụng: Đau tay, bàn tay không nắm được, run bàn tay, đau khuỷu tay, không co ruỗi, ù điếc tai, đau đầu, giải nhiệt ngoại cảm, tràng nhạc.
Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Hợp cốc chữa ngoại cảm.
- Khi châm sâu không kích thích mạnh có thể làm tổn thương thần kinh giữa.
6. Chi câu
Ý nghĩa: Huyệt ở vị trí có hình dạng giống như lạch nước (câu) tách ra (chi), vì vậy gọi là Chi Câu.
Đặc Tính:
+ Huyệt Kinh, thuộc hành Hoả.
Vị Trí: Trên lằn cổ tay 3 thốn, giữa khe xương trụ và xương quay, trên huyệt Ngoại Quan 1 thốn.
Tác dụng: Tay vai ê nhức, sưng đau bên cạnh cổ, đột nhiên khản tiếng, đau nhói vùng tim, đau sườn ngực, sốt không có mồ hôi, đầu váng mắt hoa sau khi đẻ, táo bón.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Dương lăng tuyền chữa đau thần kinh liên sườn, cơn đau sỏi mật.
7. Hội tông
Ý nghĩa: Hội = họp lại. Tông = dòng dõi, cái kế tiếp. Khí của Tam Tiêu từ huyệt Chi Câu đổ về hội tụ ở huyệt này trước khi chuyển đến huyệt kế tiếp (tông) là huyệt Tam Dương lạc, vì vậy, gọi là Hội Tông (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính:
+ Huyệt Khích.
+ Châm trong trường hợp khí của Tam Tiêu bị rối loạn.
Vị Trí: Mặt sau cẳng tay, trên lằn cổ tay 3 thốn, ngang huyệt Chi Câu, cách 1 thốn, về phía sát bờ ngoài xương trụ.
Tác dụng: Điếc tai, động kinh.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
8. Tam dương lạc
Ý nghĩa: Huyệt là nơi lạc mạch của 3 đường kinh Dương ở tay giao hội, vì vậy gọi là Tam Dương Lạc (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 8 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Trên lằn cổ tay 4 thốn, khe giữa xương quay và trụ, ở mặt sau cẳng tay.
Tác dụng: Đau cẳng tay và cánh tay, điếc tai, khản tiếng.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 10 phút
9. Tứ độc
Ý nghĩa: Độc = rãnh nước lớn. Huyệt ở phía sau huyệt Tam Dương Lạc (là nơi kinh khí của tam dương chảy qua, tạo thành rãnh nước lớn = độc). Sau tam là tứ, vì vậy gọi là Tứ Độc (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 9 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Ở mặt sau cẳng tay, dưới khớp khuỷ 5 thốn, giữa khe xương trụ và xương quay.
Tác dụng: Đau cẳng tay, điếc, khản tiếng, đau răng.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 10 phút.
10. Thiên tỉnh
Ý nghĩa: Thiên = trời, ý chỉ ở trên cao. Tỉnh = cái giếng, ý chỉ chỗ lõm. Huyệt ở chỗ lõm phía trên khớp khủy, giống hình cái giếng (tỉnh), vì vậy, gọi là Thiên Tỉnh (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính:
+ Huyệt Hợp của kinh Tam Tiêu, thuộc hành Thổ.
+ Huyệt Tả của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Chỗ lõm trên đầu mỏm khuỷ xương trụ, trên khớp khuỷ 1 thốn, nơi gân cơ tam đầu cánh tay.
Tác dụng: Đau khớp khuỷu tay, run tay, đau vai, đau gáy, đau cổ, đau họng, điếc tai, đau mắt, đau nửa đầu, tràng nhạc, động kinh, co giật.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
11. Thanh lãnh uyên
Ý nghĩa: Thanh Lãnh = hàn (lạnh) lương (mát); Uyên = chỗ lõm. Huyệt có tác dụng trị đầu đau rét run, tay không đưa lên được, các chứng hàn, vì vậy gọi là Thanh Lãnh Uyên (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 11 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Trên khớp khuỷ tay 2 thốn, trên huyệt Thiên Tỉnh 1 thốn, co khuỷ tay lại để định vị trí này.
Tác dụng: Đau vai và cánh tay.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
12. Tiêu lạc
Ý nghĩa: Tiêu = nước rút đi; Lạc = bờ đê giữ nước. Huyệt ở chỗ lõm giống như chỗ nước rút xuống và đọng lại, vì vậy gọi là Tiêu Lạc (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 12 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Ở giữa đoạn nối huyệt Thanh Lãnh Uyên và Nhu Hội, trên khớp khuỷ tay 5 thốn, khe giữa phần ngoài và phần rộng ngoài của cơ tam đầu cánh tay.
Tác dụng: Đau cánh tay, cổ gáy cứng đờ, đau đầu, điên.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
13. Nhu hội
Ý nghĩa: Phần trên cánh tay gọi là Nhu. Huyệt là nơi hội của kinh Tam Tiêu và mạch Dương kiều, vì vậy gọi là Nhu Hội (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Hội của Tam Tiêu (kinh) và mạch Dương Kiều.
Vị Trí: Ngay dưới mỏm vai 3 thốn, nằm ở bờ sau cơ delta.
Tác dụng: Đau vai và cánh tay, bướu cổ.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 0,8 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
14. Kiên liêu
Ý nghĩa: Huyệt ở bên cạnh (liêu) vai (kiên), vì vậy gọi là Kiên Liêu.
Đặc Tính: Huyệt thứ 14 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí : Đưa cánh tay ngang vai, hiện ra 2 chỗ hõm ở mỏm vai, huyệt ở chỗ hõm phía dưới và sau mỏm cùng vai, sau huyệt Kiên Ngung (Đtr.15) 1 thốn, dưới huyệt là khe giữa bó cùng và bó gai sống của cơ delta.
Tác dụng: Vai ê căng, đau cánh tay.
Thủ thuật: Châm 0,7 - 1 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
15. Thiên liêu
Ý nghĩa: Thiên = vùng trên cao. Huyệt ở hố trên vai ( phần trên = thiên), lại ở bên cạnh (liêu) mỏm cùng vai, vì vậy gọi là Thiên Liêu (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt giao hội với Dương Duy Mạch.
Vị Trí: Tại trung điểm của đoạn nối huyệt Đại Chùy và bờ ngoài phía sau mỏm cùng vai, hoặc trung điểm của đoạn nối từ huyệt Kiên Tỉnh và Khúc Viên, nằm ở hố trên gai xương bả vai.
Tác dụng: Đau vai, cổ gáy cứng đờ, đau tay, sốt không ra mồ hôi.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
16. Thiên dũ
Ý nghĩa: Thượng bộ thuộc thiên; Dũ = cửa sổ, chỉ cổ gáy. Huyệt ở vùng trên = thiên, có tác dụng trị bệnh ở vùng cổ gáy, vì vậy gọi là Thiên Dũ (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Thuộc nhóm huyệt ‘Thiên Dũ’ (Thiên Dũ Ngũ Bộ) : Nhân Nghênh (Vi.9) + Phù Đột (Đtr.18) + Thiên Dũ (Ttu.16) + Thiên Phủ(P.3) + Thiên Trụ (Bq.12) (LKhu 21,20).
Vị Trí: Ở phía ngoài cổ, bờ sau và trong gai xương chũm, bờ sau cơ ức-đòn-chũm, nơi góc hàm dưới. Hoặc lấy nếp sau gáy làm chuẩn, huyệt ở 1/3 ngoài của đường nối huyệt Thiên Trụ (Bq.12) và Thiên Dung (Ttr.17) .
Tác dụng: Cứng gáy, điếc tai, đầu mắt sưng, hoa mắt.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
17. Ế Phong
Ý nghĩa: 2 tai giống như 2 cái quạt (ế), 2 dái tai có thể gập ra vào như để quạt gió (phong), vì vậy gọi là Ế Phong (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt giao hội với kinh Túc Thiếu Dương Đởm.
Vị Trí: Phía sau trái tai, nơi chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm, sau mỏm nhọn cao nhất của trái tai, sát bờ trước cơ ức đòn chũm.
Tác dụng: ù điếc tai, nặng tai, quai bị, liệt mặt.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc, kim chếch lên trên và vào trong, nếu châm cho người điếc có thể sâu1-1,5 tấc cho người lớn. Cứu 3 - 5 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ, hoặc căng tức vào trong tai.
Khi cứu không được gây bỏng.
18. Khế mạch
Ý nghĩa: Khế chỉ sự co rút, Mạch = huyết lạc. Huyệt ở nơi cân lạc mạch của tai, có tác dụng trị trẻ nhỏ kinh giật (co rút = khế), vì vậy gọi là Khế Mạch (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 18 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Phía sau tai, giữa gai xương chũm, hoặc khi ép vành tai vào đầu, huyệt ở chỗ nối 1/3 dưới và 2/3 trên của đường cong theo bờ vành tai từ huyệt Ế Phong đến Giác Tôn, nơi cơ ức đòn chũm.
Tác dụng: ù điếc tai, đau đầu, trẻ em kinh giật, nôn.
Thủ thuật: Châm luồn kim dưới da sâu 0,1 - 0,2 tấc. Cứu 2 - 3 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
19. Lư tức
Ý nghĩa: Lư = đỉnh đầu. Tức ở đây có nghĩa là hưu tức, làm cho yên. Huyệt có Tác Dụng thanh tả tướng hỏa của Tam Tiêu, khiến cho phong tà được ổn định, là hưu tức. Vì vậy gọi là Lư Tức (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt thứ 19 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí : Sau loa tai, trên huyệt Khế Mạch 1 thốn hoặc ép sát vành tai vào đầu, huyệt ở chỗ nối 2/3 dưới và 1/3 trên của đường cong theo bờ vành tai từ huyệt Ế Phong đến Giác Tôn.
Tác dụng: ù tai, đau tai, đau đầu, kinh khủng, trẻ em nôn.
Thủ thuật: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1- 0,2 tấc. Cứu 2 - 3 phút.
Cấm châm (theo Đồng nhân)
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
20. Giác tôn
Ý nghĩa: Giác = góc trên tai; Tôn = tôn lạc. Ý chỉ phần trên tai liên hệ với lạc, vì vậy gọi là Giác Tôn (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt giao hội với kinh Túc Thiếu Dương và Thủ Thái Dương.
Vị Trí: Gấp vành tai về phía trước, huyệt ở bờ trên loa tai, trong chân tóc nơi có cơ cư? động khi há miệng nhai, dưới huyệt là cơ tai trên, cơ thái dương.
Tác dụng: Đau, sưng loa tai, Mờ mắt, đau răng, sưng lợi răng, nhai khó, quai bị.
Thủ thuật: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1- 0,2 tấc. Cứu 2 - 3 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
21. Nhĩ môn
Ý nghĩa: Huyệt ở vị trí ngay trước (được coi như cửa = môn) của tai (nhĩ) vì vậy gọi là Nhĩ Môn.
Đặc Tính: Huyệt thứ 21 của kinh Tam Tiêu.
Vị Trí: Ở ngay phía trước rãnh trên bình tai, đầu trên chân bình tai, nơi cơ tai trước.
Tác dụng: ù điếc tai, viêm tai giữa, đau răng.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,5 tấc. Cứu 5 - 7 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ, hoặc căng tức vào trong tai hay có cảm giác ê ẩm ở tai và thái dương.
Khi cứu không được gây bỏng.
22. Hòa liêu
Ý nghĩa: Hòa ở đây là điều hòa. Huyệt có tác dụng điều hòa âm thanh cho nghe rõ, lại nằm ở gần (liêu) phía trước tai, vì vậy gọi là Hòa Liêu (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt giao hội của Thủ Thiếu Dương, Túc Thiếu Dương và Thủ Thái Dương.
Vị Trí: Phía trước lỗ tai, trong chân tóc, trước và trên huyệt Nhĩ Môn. Huyệt ở bờ trên của mỏm tiếp xương thái dương phía trên và sau bờ sau chân tóc mai, sờ thấy động mạch thái dương nông, trước bình tai 1 đốt ngón tay.
Tác dụng: ù tai, đau nặng đầu, hàm răng cứng đờ.
Thủ thuật: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,1- 0,3 tấc. Cứu 5 - 7 phút.
Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.
23. Ty trúc không
Ý nghĩa: Ty Trúc = lông mày; Không = lỗ hổng. Huyệt ở chỗ lõm (không), ngoài đuôi lông mày ( giống như sợi tơ = lông mày), vì vậy gọi là Ty Trúc Không (Trung Y Cương Mục).
Đặc Tính: Huyệt có những mạch phụ chạy tới huyệt Đồng Tử Liêu (Đ.1).
Vị Trí: Tại chỗ lõm bên ngoài đuôi lông mày, ấn vào có cảm giác ê tức, bờ ngoài cơ vòng mi
Tác dụng: Đau mắt, sụp mi, máy mắt, đau đầu, liệt mặt.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc, luồn kim dưới da. Không cứu.
Thực hiện bài viết: hovietcan.com
Tham khảo nguồn: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet
0 Nhận xét