Kinh Túc Quyết âm Can

Theo y học cổ truyền Kinh Túc Quyết âm Can là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với Kinh Túc Thiếu Dương Đởm. Nó là một đường kinh âm (ly tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 1 giờ sáng đến 3 giờ sáng.

1/ Tên Của Đường Kinh Túc Quyết âm Can

Tên tiếng việt: Kinh Túc Quyết âm Can

Tên tiếng anh: The Liver Meridian/ Jueyin Liver Meridian of Foot

Tên tiếng Trung:  足厥阴肝经 足厥陰肝經

Kinh Túc Quyết âm Can
Hình Minh Họa Kinh Túc Quyết âm Can

2/ Đường đi của Kinh Can

- Bắt đầu từ chòm lông góc ngoài móng chân cái, dọc theo mu chân lên trước mắt cá trong 1 thốn.

- Lên cẳng chân giao với kinh Tỳ rồi bắt chéo ra sau kinh này ở trên mắt cá trong 8 thốn.

- Lên bờ trong khoeo chân dọc mặt trong đùi

- Vào lông mu vòng quanh bộ phận sinh dục ngoài lên bụng dưới đi song song với đường kinh vị thuộc về Can liên lạc với Đởm

- Xuyên qua cơ hoành lên phân bố ở cạnh sườn

- Đi dọc sau khí quản, thanh quản rồi lên vòm họng

- Lên nối với tổ chức mạch quanh mắt, ra trán rồi hội với mạch đốc ở bách hội.

- Phân nhánh: từ tổ chức mạch quanh mắt xuống  má vòng vào trong môi. Từ Can qua cơ hoành vào Phế để nối với kinh Thái Âm Phế.

Kinh Túc Quyết âm Can
Minh Họa Đường Đi Kinh Túc Quyết âm Can

3/ Biểu hiện bệnh lý:

1. Bệnh chính kinh:

- Vùng hông sườn căng tức.

- Bụng dưới, bài tiết sinh dục.

2. Bệnh ngoài kinh:

- Đau đầu, chóng mặt ù tai, thị lực kém.

- Phát sốt.

- Chân tay co rút.

3. Bệnh nội tạng:

- Đau nhức hoặc căng tức vùng hông sườn.

- Đè cứng căng tức bụng giữa, đau bụng, nôn mửa hoặc vàng da.

- Mai hạch khí, đại tiện phân sống, thoát vị.

- Đái dầm, bí đái, tiểu vàng.

4. Trị các chứng bệnh: 

Ở hệ sinh dục, bàng quang, ruột, ngực, sườn, mắt.

5/ Sinh lý

1. Can chủ sơ tiết:

- Khái niệm về sơ tiết: sơ tức là sơ thông, tiết tức là phát tiết và thăng phát. Can chủ sơ tiết là can có tác dụng làm cho khí cơ toàn thân sơ thông, thăng phát một cách điều đạt, như vậy khí cơ toàn thân được thông mà không trệ, được tán mà không uất. Chức năng chủ sơ tiết phản ánh đặc điểm sinh lý chủ thăng, chủ động và chủ tán của can.

- Khí cơ là chỉ vận động về thắng giáng xuất nhập của khí.

- Điều tiết tinh thần, tình chí: tình chí là tư tưởng, tình cảm, ý chí, lý tưởng. Tình chí bao gồm: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh. Hoạt động tình chí của con người do tâm chí chỉ đạo, nhưng cũng có quan hệ mật thiết đến chức năng chủ sơ tiết của can.

- Can chủ mưu lự. Mưu lự chính là mưu kế và tư lự: tức là can giúp cho tâm tiến hành các hoạt động tinh thần về tư duy và tình cảm. Hoạt động tình chí bình thường lại dựa vào sự thông thoát của khí cơ.

Ví dụ: Can khí thăng phát bất túc, sơ tiết bất cập, khí cơ không thông gây uất ức, buồn bã, hay cảm đông; can khí thăng phát hoặc sơ tiết thái quá sẽ gây nên bệnh: bứt rứt, dễ cáu, mặt đỏ, mắt đỏ, đầu căng đau.

- Thúc đẩy quá trình tiêu hóa hấp thu:

+ Phối hợp khí cơ tỳ vị thăng giáng.

+ Khả năng bài tiết dịch mật.

- Duy trì vận hành khí huyết.

- Điều tiết trao đổi thủy dịch.

- Điều tiết chức năng sinh dục: can sơ tiết điều đạt thì điều tiết được 2 mạch xung- nhâm và tinh thất làm hoạt động sinh dục của cơ thể bình thường.

2. Can tàng huyết:

- Chức năng tàng huyết của can có tác dụng tàng trữ huyết dịch, điều tiết lượng huyết và phòng ngừa xuất huyết:

+ Đối với bản thân tạng can: để nhu dưỡng cho bản thân tạng can, chế ước dương khí của can đề phong quá cang thịnh- bình hằng.

+ Đối với toàn thân: phòng ngừa và cầm xuất huyết, vừa để điều tiết lượng huyết.

+ Điều tiết lượng huyết.

+ Hoạt động sinh dục của phự nữ nhất thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ mang thai.

- Chức năng tàng huyết thất thường dẫn đến can huyết bất túc hoặc xuất huyết.

3. Can thích điều đạt mà sợ uất ức:

- Điều đạt chỉ sự thống thoáng, thoải mái. Điều đạt là bản tính của mộc, thuộc phong mộc trong tự nhiên. Xu thế sinh trưởng của mộc là thích thoải mái, thông thoát; không ưa đè nén, không ưu uất trệ, phát triển tự do. Can thuộc mộc tính thích điều đạt mà sợ uất ức.

- Uất ức chỉ sự ức chế, ngăn cản, uất trệ.

- Can là tạng thuộc phong mộc; khí của can là thăng phát, thích điều đạt mà sợ uất ức. Can khí nên giữ được đặc tính nhu hòa thông thoát, thăng phát điều đạt thì mới duy trì được chức năng sinh lý bình thường.

- Can thuộc hành mộc, khí của can liên quan đến mùa Xuân, lấy tính thăng phát của Xuân mộc mà quy loại vào can Can chủ thăng phát.

4. Can là tạng cương:

- Cương ý là cương cường, nóng nảy. Can vốn có tính cương cường, khí của can chủ thăng, chủ động dễ cang thịnh, hoành nghịch gọi là “ tướng quân chi quan”.

- Can chủ tàng huyết, huyết thuộc phần âm, thể của can thuộc âm nhu. Can chủ sơ tiết, chủ thăng, chủ động, dụng của can thuộc về dương cương. Cương với nhu phối hợp hài hòa thì can bình thường.

5. Can thể âm mà dụng dương: 

- Thể là chỉ bản thể của can, dụng là chỉ đặc tính của can. Can là cương tạng, lấy huyết là thể, lấy khí làm dụng.

- Can là tạng tàng huyết, huyết thuộc âm nên thể của can là âm.

- Can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt, chứa tướng hỏa, chủ thăng, chủ động, nên dụng can thuộc dương.

6. Can khí liên quan tới khí mùa xuân:

7. Can vinh nhuận ra móng tay móng chân( kỳ hoa tại trảo):

- Móng tay móng chân và cân đều cùng nguồn nuôi dưỡng nên gọi móng tay và chân là phần dư của cân.

8. Can khai khiếu ra mắt:

9. Can quan hệ với tình chí là nộ:

10. Dịch của can là nước mắt:

6/ Các huyệt trên đường Kinh Túc Quyết âm Can

Kinh Túc Quyết âm Can gồm có 14 huyệt ở một bên, tổng cộng là 28 huyệt 2 bên của cơ thể:

1. Đại đôn/ LR1 / Dadun / 大敦

2. Hành gian/ LR2 / Xingjian / 行间

3. Thái xung/ LR3 / Taichong / 太冲

4. Trung phong/ LR4 / Zhongfeng / 中封

5. Lãi câu/ LR5 / Ligou / 蠡沟

6. Trung đô/ LR6 / Zhongdu / 中都

7. Tất quan/ LR7 / Xiguan / 膝关

8. Khúc tuyền/ LR8 / Ququan / 曲泉

9. Âm bào/ LR9 / Yinbao / 阴包

10. Ngũ lý/ LR10 / Zuwuli / 足五里

11. Âm liêm/ LR11 / Yinlian / 阴廉

12. Cấp mạch/ LR12 / Jimai / 急脉

13. Chương môn/ LR13 / Zhangmen / 章门

14. Kỳ môn/ LR14 / Qimen / 期门

7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên Kinh Can

1. ĐẠI ĐÔN

Ý  nghĩa: Huyệt ở góc móng chân ( móng dầy = đôn) cái ( ngón to = đại) vì vậy gọi là Đại Đôn.

Đặc Tính: Huyệt Tỉnh, thuộc hành Mộc.

Vị Trí: Tại đốt thứ nhất ngón chân cái, cách bờ ngoài gốc móng khoảng 0,1 thốn (0,2cm).

Tác dụng: Băng huyết, sa dạ con, sưng tinh hoàn, đau cửa mình, đái dầm, đái đục, thoát vị, Hystérie.

Thủ thuật: Châm 0,1 tấc. Cứu 5-10 phút.

2. HÀNH GIAN

Ý  nghĩa: Hành : kinh khí đi qua. Huyệt ở khoảng cách (quan) giữa ngón chân cái và ngón trỏ, vì vậy gọi là Hành Gian (Trung Y Cương Mục).

 Đặc Tính:

+ Huyệt Vinh, thuộc hành Hoả .

+ Huyệt Tả  của kinh Can.

Vị Trí: Ép ngón chân cái sát vào ngón thứ 2, huyệt nằm ngay trên đầu kẽ của 2 ngón chân, về phía mu chân.

Tác dụng: Đau ngón chân, kinh nguyệt qúa nhiều, đau dương vật, thoát vị, đau sườn, đau mắt đỏ, động kinh, nôn, mất ngủ, ỉa chảy.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

3. THÁI XUNG

Ý  nghĩa: Thái = to lớn; Xung = yếu đạo. Đây là huyệt Nguyên, huyệt Du của kinh Can. Nơi Nguyên khí sở cư, khí huyết hưng thịnh (đại)] là yếu đạo để khí thông hành, vì vậy gọi là Thái Xung (Trung Y Cương Mục).

 Đặc Tính:

+ Huyệt thứ 3 của kinh Can.

+ Huyệt Du, huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ.

Vị Trí: Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1,5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2. Hoặc sờ dọc theo khoảng gian đốt xương bàn chân 1, tìm xác định góc tạo nên bởi 2 đầu xương bàn chân 1 và 2, lấy huyệt ở góc này.

Tác dụng: Đau phía trước mắt cá trong, rong kinh, đau cửa mình, đái đục, thoát vị, đái rắt, kinh phong trẻ em, tăng huyết áp.

Thủ thuật: Châm sâu 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.

4. TRUNG PHONG

Ý  nghĩa: Tên Huyệt:  Huyệt ở giữa (trung) mắt cá và tạng bên trong (nội phong) vì vậy gọi là Trung Phong (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Huyệt Kinh, thuộc hành Kim.

Vị Trí: Ở phía trước bờ dưới mắt cá trong 1 thốn, nơi chỗ lõm ở bờ trong gân cơ chày trước, khe khớp xương sên và xương gót, giữa huyệt Giải Khê (Vị) và Thương Khâu (Tỳ).

Tác dụng: Bàn chân lạnh, đau mắt cá trong, đau bụng dưới, đái khó, đái dầm, đái đục, thoát vị, đau lưng, vàng da có sốt, di tinh.

Thủ thuật: Châm 0,3- 0,4 tấc, có thể châm lách kim vào khe khớp. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Can du, Ế phong chữa viêm gan vi rút

5. LÃI CÂU

Ý  nghĩa: Lãi = con mọt đục trong thân cây. Câu = rãnh nước  lõm như hình cái ao. Huyệt nằm ở vùng xương ống chân, ở chỗ lõm có hi2nh dạng như con mọt, vì vậy, gọi là Lãi câu (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Huyệt Lạc, nơi xuất phát kinh Biệt Can.

Vị Trí: Ở bờ sau xương chày, cách trên đỉnh mắt cá trong 5 thốn.

Tác dụng: Đau cẳng chân, đái khó, đau tinh hoàn, kinh nguyệt không đều, khí hư, băng huyết.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Kết hợp Khúc tuyền, Thái xung chữa viêm tinh hoàn.

6. TRUNG ĐÔ

Ý  nghĩa: Huyệt ở giữa (trung) rãnh nhỏ xương chầy (coi như 1 khu = đô), vì vậy gọi là Trung Đô (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Huyệt Khích, châm khi có rối loạn khí của Can.

Vị Trí: Ở bờ sau xương chày, trên mắt cá trong 7 thốn.

Tác dụng: Đau bụng dưới, sưng tinh hoàn, băng huyết, viêm bàng quang cấp, đái khó, đái buốt.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

7. TẤT QUAN

Ý  nghĩa: Huyệt ở phía trước dưới (như cửa ải = quan) của đầu gối (tất) vì vậy gọi là Tất Quan.

Đặc Tính: Huyệt thứ 7 của kinh Can.

Vị Trí: Ở bờ sau dưới lồi cầu trong xương chầy, ngang huyệt Âm Lăng Tuyền (Ty.9), cách sau 1 thốn.

Tác dụng: Đau mặt trong khớp gối, mặt trong cẳng chân.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

8. KHÚC TUYỀN

Ý  nghĩa: Huyệt ở chỗ lõm (giống con suối = tuyền) đầu nếp gấp trong nhượng chân (giống hình đường cong = khúc) khi gấp chân, vì vậy gọi là Khúc Tuyền.

Đặc Tính: Huyệt Hợp, thuộc hành Thuỷ, huyệt Bổ.

Vị Trí: Ở đầu trong nếp gấp nhượng chân, nơi khe giữa của bờ trước gân cơ bán mạc và cơ thẳng trong.

Tác dụng: Đau mặt trong khớp gối, mặt trong đùi, đau sưng tinh hoàn, đau dương vật hoặc âm hộ, đau bụng dưới, đái khó, hoa mắt, đau mắt, cuồng.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

9. ÂM BAO

Ý  nghĩa: Huyệt nằm ở vùng âm, Bao ở đây có ý chỉ là huyệt bao bọc cho tạng bên trong vì huyệt là cửa ngõ (gian) của túc Thiếu Âm Thận và túc Thái Âm Tỳ (Trung Y Cương Mục).

Vị Trí: Ở cách lồi cầu trên trong xương đùi 4 thốn, hoặc từ huyệt  Khúc Tuyền (C.8) đo lên 4 thốn, giữa cơ rộng trong và cơ may.

Tác dụng: Đau thắt lưng, đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện khó.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút.

10. NGŨ LÝ

Ý  nghĩa: Huyệt ở trên cơ gian 5 thốn, cùng tên với huyệt Thủ Ngũ Lý, vì vậy gọi là Túc Ngũ Lý (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Huyệt thứ 10 của kinh Can.

Vị Trí: Ở bờ trong đùi, dưới huyệt Âm Liêm 1 thốn, hoặc dưới nếp nhăn của bẹn 3 thốn.

Tác dụng: Đầy bụng, tiểu tiện không thông.

Thủ thuật: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

11. ÂM LIÊM

Ý  nghĩa: Huyệt nằm ở vị trí  gần (liêm) âm hộ, vì vậy gọi là Âm Liêm.

Vị Trí : Để bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, sờ động mạch nhảy ở bẹn, huyệt nằm sát bờ trong động mạch đùi, hoặc dưới nếp nhăn của bẹn 1 thốn.

Tác dụng: Đau mặt trong đùi, kinh nguyệt không đều, phụ nữ vô sinh.

Thủ thuật: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

12. CẤP MẠCH

Ý  nghĩa: Huyệt nằm ở vùng động mạch bẹn, hễ xung động thì cấp, vì vậy gọi là

Đặc Tính: Huyệt thứ 12 của kinh Can.

Vị Trí: Ở bờ trên xương mu 1 thốn, đo ngang ra 2,5 thốn nằm trên nếp lằn của bẹn, dưới cung đùi.

Tác dụng: Đau âm hộ, sa tử cung, sưng tinh hoàn, đau dương vật.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Trung đô, Khúc tuyền, Tam âm giao để chữa đau âm hộ hay đau dương vật. Tránh làm tổn thương bó mạch thần kinh đùi.

13. CHƯƠNG MÔN

Ý  nghĩa: Chương = chướng ngại; Môn = khai thông. Huyệt là hội của Tạng, là cửa cho khí của 5 tạng xuất nhập, vì vậy, gọi là Chương Môn (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính:

+ Huyệt Hội của Tạng.

+ Huyệt Mộ của kinh Tỳ, là huyệt chẩn đoán bệnh ở Thái Âm [Phế + Tỳ] (Manaka).

Vị Trí: Ở đầu xương sườn tự do thứ 11.

Tác dụng: Đau cạnh sườn, đau thắt lưng, đau ngực, đái đục, đau thắt lưng, đầy bụng, sôi bụng, kém ăn, ăn không tiêu, nôn.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu.

14. KỲ MÔN

Ý  nghĩa: Kỳ = chu kỳ. Trong cơ thể con người, 12 Kinh mạch bắt đầu từ huyệt Vân Môn (P.2), lưu chuyển và kết thúc ở huyệt Kỳ Môn. Vì huyệt nằm ở cuối chu kỳ, vì vậy, gọi là Kỳ Môn (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính:

+ Huyệt Mộ của kinh Can.

+ Huyệt hội với Âm Duy Mạch, túc Thái Âm và túc Quyết Âm.

+ Nhận một mạch của kinh Tỳ.

 Vị Trí: Huyệt nằm trên đường thẳng ngang qua đầu ngực, trong khoảng gian sườn (của sườn) thứ 6-7.

Tác dụng: Đau sườn ngực, đầy tức ngực, mờ mắt, hành kinh bị lạnh gây sốt cao, Ợ và nôn nước chua, không ăn được.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Cách du, Can du để chữa đau dây thần kinh gian sườn.

Châm sâu quá có thể làm tổn thương gan lách.

Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Nguồn tin: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet

Đăng nhận xét

0 Nhận xét