Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

Theo y học cổ truyền Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với kinh túc thiếu âm thận. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều.

1/ Tên Của Đường Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

Tên tiếng việt: Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

Tên tiếng anh: The Urinary Bladder Meridian

Tên tiếng Trung: Tai Yang Foot/ 足太阳膀胱经 足太陽膀胱經

Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang
Ảnh minh họa Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

2/ Đường đi của kinh 

- Bắt đầu từ mắt lên trán, giao với mạch đốc ở đầu.

- Phân nhánh từ đỉnh đầu tách một nhánh ngang đi đến mỏn tai.

- Từ đỉnh đầu vào não.

- Rồi lại ra gáy.

- Đi dọc phía sau xương bả vai, kẹp hai bên cột sống, đi sâu vào sương cùng.

- Để liên lạc với Thận thuộc về BQ.

- Từ  thắt lưng có 1 nhánh tiếp tục đi hai bên cột sống xuyên mông xuống mặt sau đùi vào giữa khoeo chân.

- Phân nhánh từ 2 bên bả vai tách ra một nhánh tiếp tục qua vùng vai đi dọc 2 bên cột sống ( phía ngoài kinh chính).

- Đến mấu chuyển lớn dọc bờ ngoài xương đùi hợp nhất với đường trên khoeo chân đi ra ở sau mắt cá ngoài (Côn lôn).

- Rồi dọc bờ ngoài mu chân đến bờ ngoài ngón chân út và nối với kinh Thận. 

- BQ hợp nhất ở Ủy Trung.

Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang
Đường Đi Của Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

3/ Biểu hiện bệnh lý:

* Kinh bị bệnh: Mắt đau, chảy nước mắt, chảy nước mũi, chảy máu cam, đầu, gáy, lưng, thắt lưng, cùng cụt, cột sống, mặt sau chi dưới đau, sốt.

* Phủ bị bệnh: Đái không thông lợi, đau tức bụng dưới, đái dầm.

4. Trị các chứng bệnh: 

Ở mắt, mũi, đầu, gáy, thắt lưng, hậu môn, não, sốt, bệnh các tạng phủ (dùng các huyệt Du sau lưng).

5/ Sinh lý

- BQ ở vùng bụng dưới.

- Là chỗ thủy dịch từ Tam tiêu dồn xuống góp lại.

- Công dụng của Bàng quang là thu chứa tân dịch, bài tiết nước tiểu.

- Nước tiểu là sản phẩm của quá trình khí hóa, cũng như mồ hôi, từ tân dịch hóa ra.

- Thiên Linh đan bí điển luận sách Tố vấn nói: “ Bàng quang giữ chức châu đô, tân dịch chứa ở đó, khí hóa thì có thể thải ra”.

- Nước tiểu từ tân dịch hóa ra, tân dịch thiếu, ít thì có chứng đái không thông. Đái quá nhiều thì lại hoa tổn tân dịch. Cho nên BQ chủ thu chứa tân dịch lại và thải nước tiểu ra.

6/ Các huyệt trên đường Kinh Bàng Quang

Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang gồm có 67 huyệt ở một bên, tổng cộng là 134 huyệt 2 bên của cơ thể:

  1. Tình minh/ BL1 / Jingming / 睛明
  2. Toản trúc/ BL2 / Cuanzhu / 攒竹
  3. My xung/ BL3 / Meichong / 眉冲
  4. Khúc sai/ BL4 / Qucha / 曲差
  5. Ngũ xứ/ BL5 / Wuchu / 五处
  6. Thừa quang/ BL6 / Chengguang / 承光
  7. Thông thiên/ BL7 / Tongtian / 通天
  8. Lạc thước/ BL8 / Luoque / 络却
  9. Ngọc chẩm/ BL9 / Yuzhen / 玉枕
  10. Thiên trụ/ BL10 / Tianzhu / 天柱
  11. Đại trữ/ BL11 / Dazhu / 大杼
  12. Phong môn/ BL12 / Fengmen / 风门
  13. Phế du/ BL13 / Feishu / 肺俞
  14. Quyết âm du/ BL14 / Jueyinshu / 厥阴俞
  15. Tâm du/ BL15 / Xinshu / 心俞
  16. Đốc du/ BL16 / Dushu / 督俞
  17. Cách du/ BL17 / Geshu / 膈俞
  18. Can du/ BL18 / Ganshu / 肝俞
  19. Đởm du/ BL19 / Danshu / 胆俞
  20. Tỳ du/ BL20 / Pishu / 脾俞
  21. Vị du/ BL21 / Weishu / 胃俞
  22. Tam tiêu du/ BL22 / Sanjiaoshu / 三焦俞
  23. Thận du/ BL23 / Shenshu / 肾俞
  24. Khí hải du/ BL24 / Qihaishu / 气海俞
  25. Đại trường du/ BL25 / Dachangshu / 大肠俞
  26. Quan nguyên du/ BL26 / Guanyuanshu / 关元俞
  27. Tiểu trường du/ BL27 / Xiaochangshu / 小肠俞
  28. Bàng quang du/ BL28 / Pangguangshu / 膀胱俞
  29. Trung lữ du/ BL29 / Zhonglushu / 中膂俞
  30. Bạch hoàn du/ BL30 / Baihuanshu / 白环俞
  31. Thượng liêu/ BL31 / Shangliao / 上髎
  32. Thứ liêu/ BL32 / Ciliao / 次髎
  33. Trung liêu/ BL33 / Zhongliao / 中髎
  34. Hạ liêu/ BL34 / Xialiao / 下髎
  35. Hội dương/ BL35 / Huiyang / 会阳
  36. Thừa phù/ BL36 / Chengfu / 承扶
  37. Ân môn/ BL37 / Yinmen / 殷门
  38. Phù khích/ BL38 / Fuxi / 浮郄
  39. Uỷ dương/ BL39 / Weiyang / 委阳
  40. Uỷ trung/ BL40 / Weizhong / 委中
  41. Phụ phân/ BL41 / Fufen / 附分
  42. Phách hộ/ BL42 / Pohu / 魄户
  43. Cao hoang/ BL43 / Gaohuang / 膏肓
  44. Thần đường/ BL44 / Shentang / 神堂
  45. Y hy/ BL45 / Yixi / 譩譆
  46. Cách quan/ BL46 / Geguan / 膈关
  47. Hồn môn/ BL47 / Hunmen / 魂门
  48. Dương cương/ BL48 / Yanggang / 阳纲
  49. Ý xá/ BL49 / Yishe / 意舍
  50. Vị thương/ BL50 / Weicang / 胃仓
  51. Hoang môn/ BL51 / Huangmen / 肓门
  52. Chí thất/ BL52 / Zhishi / 志室
  53. Bào hoàng/ BL53 / Baohuang / 胞肓
  54. Trật biên/ BL54 / Zhibian / 秩边
  55. Hợp dương/ BL55 / Heyang / 合阳
  56. Thừa cân/ BL56 / Chengjin / 承筋
  57. Thừa sơn/ BL57 / Chengshan / 承山
  58. Phi dương/ BL58 / Feiyang / 飞扬
  59. Phụ dương/ BL59 / Fuyang / 跗阳
  60. Côn lôn/ BL60 / Kunlun / 昆仑
  61. Bộc tham/ BL61 / Pucan / 仆参
  62. Thân mạch/ BL62 / Shenmai / 申脉
  63. Kim môn/ BL63 / Jinmen / 金门
  64. Kinh cốt/ BL64 / Jinggu / 京骨
  65. Thúc cốt/ BL65 / Shugu / 束骨
  66. Thông cốc/ BL66 / Zutonggu / 足通谷
  67. Chí âm/ BL67 / Zhiyin / 至阴

7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên kinh Bàng Quang

1.TINH MINH

(Huyệt Hội của các kinh Thái dương ở tay chân, Dương minh ở chân, Dương kiểu, Âm kiểu)

Vị trí: Ở cách đầu trong mắt 1 phân, chỗ cồm cộm lên (Đại thành, Tuần kinh). Lấy ở trong khóe mắt trong 0,1 tấc.

Tác dụng: Đau mắt đỏ, mắt có màng có mộng, ngứa mắt, mờ mắt, quáng gà, liệt dây thần kinh VII ngoại biên, teo thần kinh thị.

Thủ thuật: Châm nông 0,1 tấc hướng mũi kim về phía mũi.

Châm sâu: ngón tay cái đẩy nhãn cầu ra ngoài, tiến kim qua da, đẩy kim sát ổ mắt vào sâu. Khi rút kim cũng làm như vậy, không vê, rút xong dùng bông sạch ấn lỗ kim châm để tránh chảy máu. Không cứu.

Chú ý: Không hướng kim vào ổ mắt, dễ châm vào nhãn cầu. Nếu châm sâu có thể vào tĩnh mạch, chảy máu lan ra quanh mắt như đeo kính đen.

2.TOẢN TRÚC

Vị trí: Ở chỗ lõm đầu lông mày (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Lấy ở chỗ lõm đầu trong lông mày, thẳng huyệt Tinh minh lên.

Tác dụng: Đau mắt đỏ, hoa mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, giật mắt, đau nhức vùng trán, đau đầu.

Thủ thuật: Châm 0,1-0,5 tấc, luồn kim dưới da, khi châm cả hai huyệt nên để hai thân kim chéo nhau ở giữa. Không cứu.

Chú ý: Kết hợp với Tinh minh, Túc tam lý, Quang minh chữa đục nhân mắt.

Kết hợp với Ngư yêu, Phong trì, Hợp cốc chữa đau trước trán.

3.MI XUNG

Vị trí: Ở đầu lông mày thẳng lên, giữa huyệt Thần đình và huyệt Khúc sai (Đại thành). Đo từ giữa chân tóc trán lên 0,5 tấc (Thần đình) rồi đo ngang ra 0,5 tấc là huyệt.

Tác dụng: Đau đầu, hoa mắt.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da mũi kim hướng lên trên.

Chú ý: Khi cần cứu không được gây bỏng.

4. KHÚC SAI

Vị trí: Ở vào trong chân tóc, cách huyệt Thần đình 1,5 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Đo từ giữa chân tóc lên 0,5 tấc rồi đo ngang ra 1,5 tấc là huyệt.

Tác dụng: Đau trước trán và đỉnh đầu, hoa mắt, đau mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da, mũi kim hướng lên trên.

Chú ý: Khi cần cứu không được gây bỏng.

5.NGŨ XỨ

Vị trí: Ở huyệt Thượng tinh ngang ra 1,5 tấc (Phát huy, Đại thành). Lấy ở phía sau huyệt Khúc sai 0,5 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, hoa mắt, co giật.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

Chú ý: Khi cần cứu không được gây bỏng.

6. THỪA QUANG

Vị trí: Ở sau huyệt Ngũ xứ 1,5 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Lấy ở sau huyệt Ngũ xứ và mạch Đốc ngang ra 1,5 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, hoa mắt, ngạt mũi.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.

Khi cần cứu không được gây bỏng.

7. THÔNG THIÊN

Vị trí: Ở sau huyệt Thừa quang 1,5 tấc (Giáp ất, Phát huy, Đại thành). Lấy huyệt ở phía sau huyệt Thừa quang và ở mạch Đốc ngang ra 1,5 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, hoa mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, sổ mũi.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tê tại chỗ, hoặc lan rộng ra xung quanh.

Khi cần cứu không được gây bỏng.

8.LẠC KHƯỚC

Vị trí: Sau huyệt Thông thiên 1,5 tấc (Giáp ất,Phát huy, Đại thành). Lấy ở phía sau huyệt Thông thiên và ở ngoài mạch Đốc ngang ra 1,5 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, ù tai, mờ mắt, điên cuồng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức, tê tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh. Khi cần cứu không được gây bỏng.

9. NGỌC CHẨM

Vị trí: Ở sau huyệt Lạc khước 1,5 tấc ở huyệt Não hộ ngang ra 1,5 tấc (Đại thành). Lấy ở ngang ụ chẩm và ở phía ngoài ụ chẩm 1,5 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, đau mắt, ngạt mũi.

Thủ thuật: Châm sâu 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tê, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh. Khi cần cứu không được gây bỏng.

10.THIÊN TRỤ

Vị trí: Ở chỗ trũng giáp chân tóc gáy mé ngoài gân lớn (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Lấy ở bờ ngoài cơ thang, trên chân tóc gáy, ngang huyệt Á môn ra 1,3 tấc.

Tác dụng: Đau đầu, cứng gáy, đau mắt, hoa mắt, ngạt mũi, trí nhớ sút kém, suy nhược thần kinh.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.

Khi cần cứu không được gây bỏng.

11. ĐẠI TRỮ

( Huyệt Hội của xương, Biệt lạc của mạch Đốc, huyệt Hội của kinh Thái dương ở chân tay, với Thiếu dương ở chân tay)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 1, ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Cứng cổ gáy, đau nhức vai, đau đầu, cảm phong hàn, ho, sốt không có mồ hôi, nhức xương.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

12.PHONG MÔN

( Nhiệt phủ - Huyệt Hội của kinh Thái dương ở chân với mạch Đốc )

Vị trí: Ở hai bên xương sống dưới đốt xương sống thứ 2 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau phần trên lưng, đau cứng gáy, đau đầu, cảm mạo, ho, sốt, nóng vùng ngực. Cứu có thể phòng bệnh cảm mạo.

Thủ thuật: Châm 0,2-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

13.PHẾ DU

( Huyệt Du của Phế )

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương thứ 3, ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Đau lưng, cứng gáy, vẹo cổ, lao phổi, ho, ho ra máu, hen suyễn, sốt âm, ra mồ hôi trộm.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-30 phút.

Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Cao hoang du chữa viêm phế quản mạn.

Không châm sâu.

14.QUYẾT ÂM DU

( Huyệt Du của Tâm bào)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 4 ngang ra 1,5 tấc ( Đại thành, Đồng nhân)

Tác dụng: Ho, đau tim, nôn mửa, tức ngực.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Tâm du, Can du, Thận du, chữa suy nhược thần kinh.

Không châm sâu có thể làm tổn thương phổi.

15.TÂM DU

( Huyệt Du của Tâm)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 5 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Tim đập mạnh, hồi hộp, hoảng hốt, hay quên, trẻ em chậm nói, ho ra máu, ho lao, nôn, nuốt khó, động kinh.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Thần môn, Phong long chữa Tâm phế mạn. Không châm sâu.

16. ĐỐC DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 6 ngang ra 1,5 tấc

( Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng trên, Cứng gáy, vẹo cổ, Đau vùng tim, nấc.

Thủ thuật: Không châm sâu.

17.CÁCH DU

( Huyệt Hội của Huyết)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới dốt xương sống thứ 7 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Đau thắt lưng, Nấc, kém ăn, sốt không có mồ hôi,ra mồ hôi trộm, ra nhiều mồ hôi, huyết hư, huyết nhiệt, ho lao.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu.

18.CAN DU

( Huyệt Du của Can)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 9 ngang ra 1,5 tấc (Gíap ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Đau lưng, đau cột sống, Hoa mắt, sưng đau mắt, mắt có màng, chảy máu mũi, ho kèm đau tức ngực, ho do tích tụ, hoàng đản, cuồng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu.

19.ĐỞM DU

( Huyệt Du của Đởm)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 10 ngang ra hai tấc (Giáp ất , Đồng nhân, Phát huy )

Tác dụng: Đầy bụng, đau ngực sườn, mồm đắng, nôn mửa, nuốt khó, hoàng đản, ho lao.

Thủ thuật: Châm 0,3 -0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Cứu phối hợp với Cách du chữa ho lao. Kết hợp với Chí dương, Túc tam lý, Thái xung chữa viêm gan siêu vi trùng.

Không châm sâu.

20.TỲ DU

( Huyệt Du của Tỳ)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 11 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đầy bụng, cơn đau dạ dày, ăn nhiều mà vẫn gầy, không muốn ăn, nấc, ỉa chảy, hoàng đản, mạn kinh phong trẻ em, các chứng về đờm, phù thũng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

21.VỊ DU

( Huyệt Du của Vị )

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 12 ngang ra 1,5 tất ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Cơn đau dạ dày, đầy bụng, lạnh bụng, cam còm không muốn ăn, ăn không ngon miệng, nôn, ợ hơi, sườn ngực đầy tức, trẻ bú rồi nôn, ỉa chảy.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

22.TAM TIÊU DU

( Huyệt Du của Tam tiêu du)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 13 ngang ra 1,5 tấc ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, ỉa chảy, kiết lỵ, phù thũng, đau cứng sống lưng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Khí hải du, Đại trường du, Túc tam lý để lợi tiểu trong phù thận.

23.THẬN DU

( Huyệt Du của Thận)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 14 ngang ra 1,5 tấc ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, đầu váng,ù tai, hoa mắt, Liệt dương, di mộng tinh, đái đục, đái ra máu, đái dầm, các bệnh kinh nguyệt, khí hư, phù thũng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Bàng quang du, Trung cực, Tam âm giao chữa viêm nhiễm đường tiết niệu.

24.KHÍ HẢI DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 15 ngang ra 1,5 tấc ( Đại thành).

Tác dụng: Đau lưng, Kinh nguyệt không đều, rong kinh cơ năng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Tam âm giao, huyệt dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 5 chữa rong kinh cơ năng.

25.ĐẠI TRƯỜNG DU

( Huyệt Du của Đại trường)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 16 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau bụng, cứng lưng, không cúi ưỡn được, Bại liệt chi dưới, Sôi bụng, chướng bụng, đau quanh rốn, ỉa chảy, táo bón, kiết lỵ.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 10-20 phút.

26.QUAN NGUYÊN DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt sống thứ 17 ngang ra 1,5 tấc (Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, Đầy bụng, ỉa chảy.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 10-20 phút.

Chú ý: Kết hợp với Tỳ du, Thận du chữa viêm ruột mạn.

27.TIỂU TRƯỜNG DU

( Huyệt Du của Tiểu trường)

Vị trí: Ở hai bên cột sống, dưới đốt xương sống thứ 18 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy).

Tác dụng: Trĩ, di tinh, đái ra máu, đái dầm, đái dắt, đái buốt, đau tức bụng dưới, kiết lỵ.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

28.BÀNG QUANG DU

( Huyệt Du của Bàng quang)

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 19 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Đau vùng xương cùng, đau lưng, Đau sưng đường sinh dục ngoài, đái đỏ, đái dầm, đau bụng, ỉa chảy, táo bón.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Thận du, Trung cực, Tam âm giao chữa viêm nhiễm đường tiết niệu.

29.TRUNG LỮ DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt sống thứ 20 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Cột sống thắt lưng đau cứng, Kiết lỵ, thoát vị ruột.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

30.BẠCH HOÀN DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 21 ngang ra 1,5 tấc (Giáp ất, Đại thành, Phát huy)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng, sưng háng, Di tinh, kinh nguyệt không đều, khí hư, thóat vị ruột, lòi dom.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Trường cường, Bách hội, Thừa sơn chữa lòi dom.

31.THƯỢNG LIÊU

Vị trí: Ở chỗ hổng thứ nhất, từ mỏm cao vùng thắt lưng thứ nhất xuống 1 tấc, giữa chỗ lõm giáp xương sống (Đồng nhân, Giáp ất, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng cùng, đau dây thần kinh hông, Kinh nguyệt không đều, sa tử cung, khí hư, bí đại tiểu tiện

Thủ thuật: Châm sâu 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh. Khi châm đúng vào lỗ cùng có cảm giác như điện chạy.

32.THỨ LIÊU

Vị trí: Ở chỗ hổng thứ 2, giữa chỗ lõm giáp xương sống (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng lan xuống bộ phận sinh dục ngoài, Đau dây thần kinh hông, chân tê yếu, Khí hư, kinh nguyệt không đều, băng huyết, di tinh, liệt dương, thoát vị, ỉa chảy, đái không thông lợi.

Thủ thuật: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh, châm đúng vào lỗ cùng có cảm giác như điện chạy.

Kết hợp với Quan nguyên, Trung cực, Tam âm giao chữa đau bụng kinh.

33.TRUNG LIÊU

( Huyệt Hội của Kinh Thái dương và Thiếu dương ở chân)

Vị trí: Ở chỗ hổng thứ 3, giữa chỗ lõm giáp xương sống (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng cùng, Kinh nguyệt không đều, khí hư, bí đái, táo bón.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh. Khi châm đúng vào lỗ cùng có cảm giác như điện chạy.

34.HẠ LIÊU

Vị trí: Ở chỗ hỗng thứ 4,giữa chỗ lõm giáp xương sống (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng cùng, Đau bụng dưới, táo bón, bí đái.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh. Khi châm đúng vào lỗ cùng có cảm giác như điện chạy.

35.HỘI DƯƠNG

Vị trí: Ở hai bên xương cụt. (Đại thành). Lấy ở ngang đầu dưới xương cụt, mạch Đốc ngang ra 0,5 tấc.

Tác dụng: Khí hư, liệt dương, kiết lỵ, trĩ, đi ngoài ra máu, ỉa chảy.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

36.THỪA PHÙ

Vị trí: Ở dưới mông, giữa nếp mông (Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau vùng mông, đau dây thần kinh hông.

Thủ thuật: Châm 0,7-1,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

37.ÂN MÔN

Vị trí: Ở dưới huyệt Thừa phù 6 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Lấy ở trong khe của cơ bán gân và cơ hai đầu đùi, dưới nếp mông 6 tấc.

Tác dụng: Đau nhức vùng thắt lưng, đau nhức đùi.

Thủ thuật: Châm 0,7 - 1,6 tấc. Cứu 5-15 phút.

38.PHÙ KHÍCH

Vị trí: Ở trên huyệt Ủy trung 1 tấc (Đại thành)

Tác dụng: Tê đau mông và đùi, đau giật ở kheo và đầu gối.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

39.ỦY DƯƠNG

( Huyệt Hợp dưới của Tam tiêu. Biệt lạc của kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: Ở dưới huyệt Thừa phù 16 tấc trước kinh Thái dương sau kinh Thiếu dương bờ ngoài của giữa kheo, giữa hai gân (Đại thành).

Tác dụng: Chuột rút ở đùi và cẳng chân, Đái rắt, đái đục.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

40.ỦY TRUNG

( Huyệt Hợp thuộc Thổ)

Vị trí: Ở giữa nếp ngang giữa kheo chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Đau khớp gối, Đau lưng, đau dây thần kinh hông, Thổ tả, cảm nắng.

Thủ thuật: Châm 1-1,5 tấc. Nếu là Thổ tả hoặc bệnh ứ huyết, chích nông vào tĩnh mạch sau đó nặn ra máu hoặc để máu đen tự ra, để tự cầm máu hoặc phải cầm máu lại.

Chú ý: Kết hợp với Khúc trạch chữa Thổ tả. Kết hợp với Nhân trung, Thập tuyên chữa cảm nắng.

Không kích thích mạnh để tránh gây thương tổn thần kinh và mạch máu.

41.PHỤ PHÂN

( Huyệt Hội của kinh Thái dương ở chân với kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: Ở hai bên xương sống dưới đốt xương sống thứ 2 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Vai lưng co giật, cổ gáy cứng đau.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh.

Không châm quá sâu vì có thể tổn thương phổi.

42.PHÁCH HỘ

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 3 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau vai lưng, đau cứng cổ gáy, Lao phổi, ho, suyễn, khó thở.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu, có thể gây tổn thương phổi.

43.CAO HOANG DU

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt sống thứ 4 ngang ra 3 tấc (Đại thành)

Tác dụng: Lao phổi, ho, suyển, ho ra máu, di mộng tinh, tiêu hóa kém, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu.

Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,4 tấc. Cứu 15-20 phút.

Chú ý:

- Cứu cùng Phế du, Thận du chữa lao phổi. Cứu cùng Quan nguyên Túc tam lý chữa cơ thể suy nhược.

- Thường cứu nhiều hơn châm. Khi chữa bệnh mãn tính thường cứu Cao hoang du rồi cứu tiếp Khí hải, Quan nguyên, Túc tam lý để dẫn hỏa khí, không châm quá sâu vì có thể gây tổn thương phổi.

44.THẦN ĐƯỜNG

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 5 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Lưng cứng đau, Ho, suyễn.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

Không châm sâu vì có thể gây tổn thương phổi.

45.Y HY

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 6, ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, đau vai, Ho, suyễn, sốt không ra mồ hôi.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu vì có thể gây tổn thương phổi.

46.CÁCH QUAN

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 7 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Lưng đau cứng, Ăn uống không được, nôn mửa, ợ hơi.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể gây tổn thương phổi.

47.HỔN MÔN

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 9 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, Đau ngực sườn, nôn mửa, ỉa chảy.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể gây tổn thương phổi.

48.DƯƠNG CƯƠNG

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 10 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Tác dụng: Sôi bụng, đau bụng, ỉa chảy, hoàng đản.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể gây tổn thương gan, phổi.

49. Ý XÁ

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 11 ngang ra 3 tấc (Gíáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, Đầy bụng, sôi bụng, ỉa chảy, nôn mửa, kém ăn, mắt vàng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu có thể gây tổn thương thận.

50.VỊ THƯƠNG

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 12 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau lưng, Đầy bụng, đau dạ dày, kém ăn.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể gây tổn thương thận.

51.HOANG MÔN

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 13 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Đau bụng trên, khối u ở bụng, táo bón.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm sâu quá.

52.CHÍ THẤT

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 14 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau cứng thắt lưng, Di mộng tinh, liệt dương, đái rắt, bí đái, sưng đau sinh dục ngoài, ăn không tiêu, phù thũng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-30 phút.

Chú ý: Không châm quá sâu.

53.BÀO HOANG

Vị trí: Ở hai bên xương sống, chỗ lõm dưới đốt xương sống thứ 10 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng, cùng, Đầy bụng, sôi bụng.

Thủ thuật: Châm 0,7-1,3 tấc. Cứu 5-10 phút.

54.TRẬT BIÊN

Vị trí: Ở hai bên xương sống, dưới đốt xương sống thứ 21 ngang ra 3 tấc (Giáp ất, Đại thành)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng cùng, trĩ, liệt chi dưới.

Thủ thuật: Châm 1-1,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

55.HỢP DƯƠNG

Vị trí: Ở giữa nếp nhăn ngang kheo chân xuống 2 tấc (Giáp ất, Đồng nhân)

Tác dụng: Đau vùng thắt lưng, đau nhức chi dưới, teo chi dưới, khí hư, đau thóat vị.

Thủ thuật: Châm 0,7-1 tấc. Cứu 5-20 phút.

56.THỪA CÂN

Vị trí: Ở chính giữa bắp chân, trong chỗ lõm (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy)

Tác dụng: Đau cẳng chân, liệt chi dưới, đau giật ở thắt lưng, chuột rút bắp chân, Trĩ, táo bón.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

57.THỪA SƠN

Vị trí: Dưới bắp chân, trong chỗ lõm của khe bắp thịt (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

Tác dụng: Chuột rút bắp chân, đau sưng mõi bắp chân, Đau thắt lưng, đau dây thần kinh hông, ỉa ra máu, lòi dom, trĩ, thổ tả.

Thủ thuật: châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

58.PHI DƯƠNG

( Huyệt Lạc nối với kinh Thiếu âm Thận)

Vị trí: Ở trên mắt cá ngoài chân 7 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau cẳng chân, Chân và lưng yếu mỏi không có sức, đau đầu hoa mắt, ngạt mũi, chảy máu mũi,Trĩ, đau nhức các khớp, sốt không ra mồ hôi.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

59.PHỤ DƯƠNG

( Huyệt Khích của mạch Dương kiểu)

Vị trí: Ở trên mắt cá ngoài chân 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).

Tác dụng: Đau sưng mắt cá ngoài, liệt chi dưới, chuột rút, đau vùng thắt lưng cùng, nặng đầu, đau đầu.

Thủ thuật: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

60.CÔN LÔN

( Huyệt Kinh thuộc Hỏa).

Vị trí: Ở sau mắt cá ngoài chân 5 phân chỗ lõm trên xương gót (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau, sưng khớp cổ chân, đau thắt lưng không cúi ngữa được, đau rút lưng vai, đau thần kinh hông, cứng cổ gáy, đau đầu, đau mắt, hoa mắt, chảy máu mũi, Trẻ em kinh giật, đẻ khó, sót rau, rau bong chậm.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, mũi kim hướng vào mắt cá chân trong. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Không châm người mới có thai.

61.BỘC THAM

( Huyệt Hội của kinh Thái dương ở chân với mạch Dương kiểu. Gốc của mạch Dương kiểu)

Vị trí: Ở trong chỗ lõm dưới xương gót chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau gót chân, Bại liệt chi dưới, chuột rút, đau lưng, Điên.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc, hướng kim vào mắt cá trong. Cứu 3-5 phút.

62.THÂN MẠCH

( Huyệt Hội của kinh Thái dương Bàng quang và mạch Dương kiểu. Nơi mạch Dương kiểu bắt đầu ra)

Vị trí: Ở chỗ lõm dưới mắt cá ngoài chân 5 phân, cách chỗ thịt trắng bằng móng tay (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Sờ tìm rãnh cơ mác ở dưới mắt cá ngoài chân, huyệt ở trong rãnh thẳng đầu nhọn mắt cá ngoài xuống độ 0,5 tấc ( gấp duỗi bàn chân để tìm gân cơ)

Tác dụng: Đau cổ chân, gối và cẳng chân, hay không có sức, đau lưng, váng đầu, hoa mắt, chóng mặt, Điên cuồng, động kinh ban ngày, sợ rét, tự ra mồ hôi.

Thủ thuật: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 3-5 phút.

63.KIM MÔN

( Huyệt Khích. Hội của kinh Thái dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: Ở dưới mắt cá ngoài chân, sau huyệt Khâu khư trước huyệt Thân mạch (Gíap ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Lấy chỗ lõm, dưới huyệt Thân mạch 0,5 tấc hơi chếch về phía trước sát bờ xương hộp.

Tác dụng: Đau sưng mắt cá ngoài, đau tê chi dưới, Động kinh, trẻ em kinh phong, chuột rút.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 3-5 phút.

64.KINH CỐT

( Huyệt Nguyên)

Vị trí: Ở dưới xương to phía ngoài bàn chân chỗ lõm trên quãng thịt trắng đỏ giáp nhau (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau phía ngoài bàn chân, Đau khớp háng, đau thắt lưng, đau cứng gáy, đau đầu, hoa mắt, mắt có màng, đau mắt, chảy máu mũi, Sốt rét, động kinh, tim đập hồi hộp.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 3-5 phút.

65.THÚC CỐT

( Huyệt Du thuộc Mộc)

Vị trí: Ở mé ngoài ngón chân út, chỗ lõm sau khớp bàn ngón chân ( Giáp ất, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Đau phía ngoài bàn chân, Đau cẳng chân, đùi, hông, vùng xương cùng, lưng, cổ, gáy và đầu, đau mắt đỏ, hoa mắt, Sốt có sợ gió, sợ lạnh, kiết lỵ, trĩ, điên cuồng.

Thủ thuật: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 3-5 phút.

66.THÔNG CỐC

Vị trí: Ở mé ngoài ngón chân út chỗ lõm trước khớp bàn ngón, chân ( Giáp ất, Phát huy, Đại thành )

Tác dụng: Đau ngón chân út, Đau nặng đầu gáy, hoa mắt, chảy máu mũi, Ăn không tiêu, hay sợ.

Thủ thuật: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 3-5 phút.

67.CHÍ ÂM

( Huyệt Tỉnh thuộc Kim)

Vị trí: Ở mé ngoài ngón chân út, cách gốc móng chân bằng lá hẹ ( Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Tác dụng: Nóng gan bàn chân, Đau đầu, mắt có màng, ngạt mũi, chảy máu mũi, Di tinh, đẻ khó, sót nhau, tâm phiền, đái khó.

Thủ thuật: Châm 0,1 tấc, mũi kim hướng theo bàn chân. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Kết hợp với Phong trì, Thái dương, chữa đau đầu, cứng gáy.

Không châm sâu ở người có thai.

Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Tham khảo nguồn: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet

Đăng nhận xét

0 Nhận xét