Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Thiếu Dương Tiểu Trường là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với kinh thủ thiếu âm tâm. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 1 giờ chiều- 3 giờ chiều.
1/ Tên Của Đường Kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường
Tên tiếng việt: Kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường
Tên tiếng anh: The Small Intestine Meridian
Tên tiếng Trung: Tai Yang Hand/ 手太阳小肠经 手太陽小腸經
![]() |
Hình minh họa Kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường |
2/ Đường đi của kinh
- Bắt đầu từ góc trong ngón út, dọc theo đường nối da gan tay và mu tay lên cổ tay đi qua mỏm trên xương trụ.
- Dọc từ bờ phía ngón út xương trụ đến giữa mỏn khuỷu và lồi cầu trong xương cánh tay, tiếp tục đi ở bờ trong sau cánh tay.
- Lên mặt sau khớp vai đi ngoằn nghèo ở trên vào dưới gai xương bả vai gặp túc thái dương và mạch đốc ở đại chùy.
- Đi vào hố thượng đòn xuống liên lạc với Tâm dọc theo thực quản qua cơ hoành đến vị xuống tiểu trường thuộc tiểu trường.
- Phân nhánh từ hố thượng đòn dọc theo cổ lên má đến đuôi mắt rồi vào trong tai.
- Phân nhánh từ má vào đến bờ dưới hố mắt, đến hốc mũi, đầu mặt để nối với kinh thái dương Bàng quang (tình minh).
- Rồi xuống gò má.
- Tiểu trường hợp nhất vào cự hư hạ liêm.
- Chú ý: giao đại chùy ở mạch đốc, Thượng quản và Trung quản mạch nhâm, Tình minh, đại trữ, phụ phân ở kinh bàng quang, Hòa liêu thiếu dương, đồng tử liêu ở túc thiếu dương.
3/ Biểu hiện bệnh lý:
Kinh bị bệnh: Điếc, mắt vàng, hàm sưng, họng đau, vai và bờ trong mặt sau cánh tay đau, cổ gáy cứng.
Phủ bị bệnh: Bụng dưới đau trướng, đau lan ra thắt lưng, đau dẫn xuống tinh hoàn, ỉa lỏng hoặc đau bụng, ỉa táo, ỉa khó.
4. Trị các chứng bệnh:
- Bệnh theo đường kinh
- Ngoài kinh: đau vùng hàm má, đau họng, chảy nước mắt, cổ gấy cứng đơ, đau nhức phía ngoài vai và cánh tay.
- Nội tạng: bụng dưới sưng đau, đau tới vùng thắt lưng, bụng dưới đau lan tới dich hoàn, ỉa lỏng, bí đại tiện.
5/ Sinh lý
- Phía trên tiểu trường tiếp với u môn thông với Vị.
- Phía dưới tiếp với hạ lan môn thuộc đại trường.
- Công dụng chủ yếu của tiểu trường là phân biệt thanh trọc.
- Cơm nước trong Vị sau khi đã chín nhừ thì đi qua u môn chuyển xuống Tiểu trường, tại đây lọc lựa ra thứ thanh, thứ trọc.
- Thanh là tân dịch được hấp thu vào các bộ phận, cuối cùng thì thấu vào bàng quang.
- Trọc thì đi xuống đại trường.
- Linh lan bí điển luận sách Tố vấn: “ Tiểu trường giữ chức vụ thu hình, vật từ đó biến hóa mà ra’.
- Nếu tiểu trường mất chức năng gạn lọc, không tách ra được thanh trọc, thì thủy dịch ở bàng quang giảm sút, tiểu tiện ngắn, ít, thậm chí bí đái, đồng thời cả thanh và trọc trong tiểu trường đều rồn xuống đại trường là có chứng đại tiện lỏng.
- Tâm và tiểu trường có quan hệ biểu lý với nhau. Nếu tâm hỏa vượng, nhiệt đi xuống tiểu trường gây ra các triệu chứng về tâm hỏa kèm theo tiểu tiện ngắn đỏ, thậm chí đái buốt, đái ra máu, môi miệng lở loét sưng đau.
6/ Các huyệt trên đường Kinh Tiểu Trường
Kinh Thủ Thái Dương Tiểu Trường gồm có 19 huyệt ở một bên, tổng cộng là 38 huyệt 2 bên của cơ thể.
- Thiếu trạch/ SI1 / Shaoze / 少泽
- Tiền cốc/ SI2 / Qiangu / 前谷
- Hậu khê/ SI3 / Houxi / 后溪
- Uyển cốt/ SI4 / Wangu / 腕骨
- Dương cốc/ SI5 / Yanggu / 阳谷
- Dưỡng lão/ SI6 / Yanglao / 养老
- Chi chính/ SI7 / Zhizheng / 支正
- Tiểu hải/ SI8 / Xiaohai / 小海
- Kiên trinh/ SI9 / Jianzhen / 肩贞
- Nhu du/ SI10 / Naoshu / 臑俞
- Thiên tông/ SI11 / Tianzong / 天宗
- Bỉnh phong/ SI12 / Bingfeng / 秉风
- Khúc viên/ SI13 / Quyuan / 曲垣
- Kiên ngoại du/ SI14 / Jianwaishu / 肩外俞
- Kiên trung du/ SI15 / Jianzhongshu / 肩中俞
- Thiên song/ SI16 / Tianchuang / 天窗
- Thiên dung/ SI17 / Tianrong / 天容
- Quyền liêu/ SI18 / Quanliao / 颧髎
- Thính cung/ SI19 / Tinggong / 听宫
7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên kinh Tiểu Trường
1. Thiếu trạch
Đặc tính: Huyệt Tỉnh của kinh Tiểu trường thuộc hành Kim
Vị trí: Cạnh góc trong chân móng tay út cách 0,1 thốn trên đường tiếp giáp da gan tay - mu tay.
Tác dụng: Thanh tâm nhiệt, tán phong nhiệt, cứng gáy, cứng lưỡi, đau họng, đau mắt, đau đầu, chảy máu mũi, cấp cứu ngất, hôn mê, sốt cao không ra mồ hôi, sốt rét, viêm tuyến vú, thông sữa.
Thủ thuật: Châm 0,1 - 0,2 thốn. Khi cấp cứu châm xong nặn ra 1 giọt máu. Cứu 1 - 3 tráng, Ôn cứu 3 - 5 phút.
Chú ý:
- Ấn vào huyệt Thiếu trạch có thể làm tăng sữa, ấn vào huyệt 1 - 3 phút, làm 2 - 3 lần/ ngày.
- Sinh xong thiếu sữa: Châm cứu học thượng hãi: thông điều khí huyết. Châm Đàn trung, Nhũ căn, Thiếu trạch.
Ý nghĩa: đàn trung là huyệt hội của khí, khí huyết điều hòa thông lợi thì sữa mới sinh ra; Nhũ căn để sơ thông khí huyết ở kinh thủ dương minh đại trường; Thiếu trạch là huyệt kinh nghiệm để tiết ra sữa.
Đàn trung, Họp cốc, Thiếu trạch. Hoặc đàn trung (cứu), Thiếu trạch (bổ) - Châm cứu đại thành.
Đàn trung, Nhũ căn, Thiếu trạch - Trung quốc châm cứu học khái yếu.
Đàn trung, Nhũ căn, Thiếu trạch, Túc tam lý - Trung quốc châm cứu tạp chí 19/1986.
2. Tiền cốc
Đặc tính: Huyệt Huỳnh (vinh) của kinh Tiểu trường thuộc hành Thủy.
Vị trí: Ở trong chỗ lõm nơi khớp xương ngón tay thứ 5 về phía xương trụ, khi nắm tay lại huyệt ở trước lằn chỉ tay ngón út và bàn, nơi tiếp giáp da gan và mu tay.
Tác dụng: Sơ phong, giải nhiệt, tiêu thủng, ngón tay đau co duỗi khó khăn, đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai, sốt rét, động kinh, đái đỏ.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Đại chùy, Đào đạo, Giản sử chữa sốt rét.
3. Hậu khê
Đặc tính: Huyệt du thuộc Mộc, huyệt bổ của kinh tiểu trường, huyệt Giao hội với mạch Đốc.
Vị trí: hơi gấp bàn tay, huyệt nằm ở đầu trong cùng của nếp lằn da gan tay dưới, chỗ mép (viền/bờ) da thịt trắng và đỏ.
Tác dụng: Thư cân, thông kinh, chỉ thống, lợi chẩm, thanh nhiệt, an thần, chỉ kinh, khai khiếu, thông điều Mạch đốc, ngón tay đau co duỗi khó khăn, đau cứng gáy, đau đầu, chảy máu mũi, đau mắt, ù tai, điếc tai, sốt rét, động kinh, đái đỏ.
Thủ thuật: Châm thẳng sâu 0,3 - 0,7 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút.
Chú ý:
- Kết hợp với Đại chùy, Đào đạo, Giản sử để chữa sốt rét.
- Hậu khê là huyệt Giao hội với mạch Đốc, chi phối vùng cột sống. Đây là một trong các huyệt hiệu quả nhất để điều trị gáy cứng đau.
4. Uyển cốt
Đặc tính: Huyệt Nguyên.
Vị trí: ở bờ trụ (bờ trong) gan tay, trong chỗ lõm giữa đáy xương đốt bàn tay thứ 5 và xương ngón tay. Đặt ngón tay tại huyệt Hậu khê (SI3), ấn và trượt dọc xương đốt bàn tay thứ 5 về phía sau (đầu gần) đến chỗ lồi/ nhô ra của xương, huyệt Uyển cốt (SI4) nằm trong chỗ lõm giữa hai xương này.
Tác dụng: Thông kinh hoạt lạc chỉ thống, thanh nhiệt tiêu viêm, thanh thấp nhiệt (thanh nhiệt lợi thấp), thái hoàng, đau bàn tay, ngón tay đau, bàn tay co quắp, đau đầu, cứng gáy, ù tai, mờ mắt, hoàng đản, sốt không ra mồ hôi.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút.
5. Dương cốc
Đặc tính: Huyệt Huỳnh thuộc hành Hỏa.
Vị trí: ở đầu trong cùng của nếp lằn trên mu cổ tay, trong chỗ lõm giữa mỏm trâm trụ và xương tháp.
Tác dụng: Đau cổ tay, đau phía sau trong cánh tay, đau cổ gáy, ù tai, điếc tai, sốt không ra mồ hôi, điên cuồng, trẻ em bại liệt, cứng lưỡi không bú được.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 15 phút.
6. Dưỡng lão
Đặc tính: Huyệt Khích, châm trong những rối loạn khí tiểu trường, gây ra do ngưng tuần hoàn.
Người lớn tuổi (lão) thường bị mắt mờ, lưng đau gối mỏi, các khớp thông lợi. Huyệt này có tác dụng minh mục, thư cân vì vậy gọi là Dưỡng lão (Trung y cương mục).
Vị trí: Ở chỗ lõm trên mắt cá tay sau cổ tay 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy).
Tác dụng: thư cân, thông lạc, sưng đau phía sau trong cẳng tay, đau nhức cánh tay và vai, liệt chi trên, cổ tay đau, thần kinh thị giác teo, mắt mờ.
Thủ thuật: Châm thẳng sâu 0,5 - 0,8 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút.
7. Chi chính
Đặc tính: Huyệt Lạc nối với kinh thủ thiếu âm Tâm.
Vị trí: Tại sát bờ sau xương trụ, cách cổ tay 5 thốn, trên đường nối huyệt Dương cốc và Tiểu hải.
Tác dụng: Tay co, ngón tay không nắm được, cổ gáy sưng đau, đau hàm, hoa mắt, sốt không ra mồ hôi, điên, kinh sợ, thần kinh suy nhượt.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
8. Tiểu hải
Đặc tính: Huyệt Hợp thuộc hành Thổ, huyệt (tả).
Vị trí: co khuỷu tay, huyệt ở giữa mỏm khuỷu và mỏm trên ròng rọc đầu dưới xương cánh tay, nơi tận cơ 3 đầu cánh tay.
Tác dụng: Tán tà ở kinh, trừ phong, thanh thần chí, sưng khuỷu tay, đau vai, đau cổ, đau hàm, đau răng, điếc, điên, tâm thần phân liệt.
Thủ thuật: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút.
9. Kiên trinh
Vị trí: đặt cánh tay lên hông sườn, huyệt ở mặt sau vai, từ đầu chỉ nếp nách thẳng lên 1 thốn. Hoặc chỗ lõm ở giao điểm đường dọc từ Kiên ngung xuống và đường ngang qua lằn sau nách cách tuyến giữa lưng 6 thốn.
Tác dụng: Sơ phong, hoạt lạc, tán kết, chỉ thống, đau vai, cánh tay, bàn tay đau và cử động khó khăn.
Thủ thuật: Châm thẳng sâu 1 - 1,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Kiên ngung, Kiên liêu chữa đau khớp vai.
10. Nhu du
Đặc tính: Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với mạch Dương duy và Dương kiểu.
Vị trí: Ở phía sau huyệt Kiên liêu chỗ lõm dưới xương to, mé trong xương bả vai (Đồng nhân, Phát huy, Tuần kinh).
Thủ thuật: Châm 0,5 - 1 thốn. Cứu 5 - 10 phút.
Chú ý: Kết hợp với Kiên ngung, Kiên trinh, Cự cốt để chữa đau vai, yếu cử động khó khăn.
11. Thiên tông
Vị trí: Ở phía sau huyệt Bỉnh phong, chỗ lõm dưới xương to (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Chính giữa dưới bờ xương bả vai.
Tác dụng: Đau nhức vai, mặt sau cánh tay đau nhức.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,5 thốn. Cứu 5-15 phút.
Chú ý: Kết hợp với Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên liêu, Dương lăng tuyền chữa đau quanh khớp vai.
12. Bỉnh phong
Đặc tính: Huyệt Hội của kinh Thái dương, Dương minh ở tay và kinh Thiếu dương ở tay và chân)
Vị trí: Ở phía ngoài huyệt Thiên liêu trên vai, sau chỗ mỏm con, giơ tay lên có chỗ trống (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành, Tuần kinh).
Tác dụng: Vai đau nhức, không giơ tay lên được.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.
13. Khúc viên
Vị trí: từ Bỉnh phong đo vào 1,5 thốn.
Tác dụng: Vai đau nhức, khớp vai cử động khó khăn.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 5 - 15 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ, hoặc lan ra xung quanh.
14. Kiên ngoại du
Vị trí: dưới D1 (Đào đạo) đo ra 3 thốn.
Tác dụng: Đau vai, đau cứng cổ gáy.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,7 thốn Cứu 5 - 10 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.
15. Kiên trung du
Vị trí: dưới mỏm gai đốt D1 (Đào đạo) đo ra 2 thốn.
Tác dụng: Đau nhức vai, cổ vai gáy, ho suyễn.
Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,7 thốn. Cứu 5 - 10 phút.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.
16. Thiên song
Vị trí: ở chỗ lõm dưới huyệt Phù đột trong gân lớn ở cổ, phía trước xương hàm, phía sau có động mạch.
Tác dụng: Đau cứng cổ gáy, ù tai, điếc tai, đau họng, đau hàm.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 1 thốn. Cứu 5 - 10 phút.
17. Thiên dung
Vị trí: Ở chỗ lõm dưới tai, sau khớp hàm.
Tác dụng: Ù tai, điếc tai, họng sưng đau, đau cổ không quay được.
Thủ thuật: Châm 0,5 - 1 thốn. Cứu 5 - 10 phút.
18. Quyền liêu
Đặc tính: Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với Thiếu dương ở tay.
Vị trí: Thẳng đuôi mắt xuống vuông góc với đường mũi là huyệt.
Tác dụng: Liệt dây thần kinh VII ngoại biên, co giật cơ mặt, giật mi mắt, đau răng, đau mắt, hội chứng ticc.
Thủ thuật: Châm 0,2 - 0,3 thốn. Khi cần cứu không dược gây bỏng.
Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra xung quanh.
19. Thính cung
Đặc tính: Huyệt Hội của kinh Thái dương ở tay với kinh Thiếu dương ở tay - ở chân.
Vị trí: khi há miệng, huyệt ở chỗ lõm phía trước bình tai, sau lồi cầu xương hàm dưới.
Tác dụng: Tiên nhĩ khiếu, định thần chí, ù tai, điếc tai, nặng tai, đau tai, tai ngoài viêm.
Thủ thuật: Hơi há miệng, châm thẳng sâu 0,5 - 1 thốn, Cứu 1 - 3 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút (Khi cần cứu không được gây bỏng).
Chú ý: Nếu châm nông chỉ căng, tức tại chỗ. Nếu châm sâu cảm giác căng tức thấu vào trong tai. Nếu châm vào màng xương thì đau buốt và vướng kim, nên rút kim ra một chút.
Kết hợp với Ế phong, Hợp cốc chữa viêm tai giữa.
Thực hiện bài viết: hovietcan.com
Tham khảo nguồn: Châm cứu học tập 1 ( Viện Đông y) - Tổng hợp từ Internet
0 Nhận xét