Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với kinh thủ thái âm phế. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 5 giờ sáng - 7 giờ sáng.
1/ Tên Của Đường Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường
Tên tiếng việt: Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường/ Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh
Tên tiếng anh: The Large Intestine (Colon) Meridian/ Large Intestine Meridian of Hand
Tên tiếng Trung: Yang Ming Hand/ 手阳明大肠经 手陽明大腸經
![]() |
Minh họa Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường |
2/ Đường đi của kinh Thủ Dương Minh Đại Trường
Kinh thủ dương minh đại trường bắt đầu từ góc trong móng trỏ (huyệt Thượng Dương, LI l). Nó đi lên qua kẽ giữa xương bàn 1 và 2 (huyệt Hợp cốc LI4), qua cơ duỗi cổ tay dài và ngắn (huyệt Dương khê), qua bờ ngoài cẳng tay đến nếp gấp bờ ngoài khuỷu tay (huyệt Khúc trì LI11), chạy lên dọc theo bờ trước của mặt ngoài của chi trên đến điểm cao nhất trên vai (huyệt Kiêng Ngung LI15) và đi theo bờ sau vai để giao hội với kinh thái dương Tiểu trường ở huyệt Bỉnh phong, và với mạch Đốc ở (huyệt Đại chùy GV14). Sau đó đi trở lại hố thượng đòn huyệt (khuyết bồn ST12), nó đi vào khoang ngực để liên lạc với phế qua cơ hoành, nó đi xuống đại trường thuộc Đại trường.
Nhánh của nó đi từ hố thượng đòn lên cổ mặt vào chân răng hàm dưới. Sau đó, nó vòng quanh môi trên 2 kinh giao nhau ở huyệt Nhân trung rồi tận cùng ở chân cánh mũi bên đối diện (huyệt Nghinh hương, LI20) để tiếp nối với kinh tức dương minh vị.
![]() |
Minh họa Đường đi của kinh Thủ Dương Minh Đại Trường |
Ngắn gọn: Bắt đầu từ huyệt thương dương (cách 2mm góc ngoài - chân móng ngón trỏ), chạy dọc theo bờ ngoài ngón trỏ, qua kẻ xương bàn tay 1 - 2, lên dọc theo mặt sau - ngoài cẳng tay, lên mặt sau - ngoài cánh tay, đến trước mõm cùng vai, lên cổ, lên mặt, vòng qua môi trên, bắt chéo ở huyệt nhân trung (1/3 trên - rãnh nhân trung). Tận cùng ở huyệt nghinh hương (giao điểm của rãnh mũi miệng và chân cánh mũi kéo ngang) bên đối diện.
3/ Biểu hiện bệnh lý phủ đại trường:
- Kinh bị bệnh:
Cổ sưng, răng hàm dưới đau, vai đau, cẳng tay đau, ngón trỏ, ngón cái khó vận động.
Nếu tà khí ở kinh thịnh, có thể sưng đau.
Nếu kinh khí suy, sợ lạnh ở chỗ đường kinh đi qua.
- Phủ bị bệnh:
Mắt vàng, miệng khô, đau họng, chảy máu mũi, bụng đau, sôi bụng.
Nếu hàn: ỉa chảy.
Nếu nhiệt: ỉa nhão, dính hoặc táo bón.
Tà khí thịnh, sốt cao có thể phát cuồng.
4/ Sinh lý phủ đại trường
- Đại trường gồm hồi tràng và đại tràng, phái cuối cùng là giang môn.
- Đại trường có công dụng là hấp thu nước (tế bí biệt trâp).
- Cặn bã từ tiểu trường >>> Đại trường hấp thu phần nước mới thành phân
- Đại trường là cơ quan truyền tống cặn bã và làm cho cặn bã thành hình.
Linh lan bí điểu: "Đại trường giữ chức truyền tống, vật đã biến hóa từ đây mà ra.
5/ Trị các chứng bệnh:
Ở đầu, mặt, tai, mắt, mũi, răng, họng, ruột và sốt.
6/ Các huyệt trên đường Kinh Đại Trường
Kinh Thủ dương minh đại trường gồm có 20 huyệt ở một bên, tổng cộng là 40 huyệt 2 bên của cơ thể.
- Thương dương / LI1 / Shangyang / 商阳
- Nhị gian/ LI2 / Erjian / 二间
- Tam gian/ LI3 / Sanjian / 三间
- Hợp cốc/ LI4 / Hegu / 合谷
- Dương khê/ LI5 / Yangxi / 阳溪
- Thiên lịch/ LI6 / Pianli / 偏历
- Ôn lưu/ LI7 / Wenliu / 温溜
- Hạ liêm/ LI8 / Xialian / 下廉
- Thượng liêm/ LI9 / Shanglian / 上廉
- Thủ tam lý/ LI10 / Shousanli / 手三里
- Khúc trì/ LI11 / Quchi / 曲池
- Trửu liêu/ LI12 / Zhouliao / 肘髎
- Ngũ lý/ LI13 / Shouwuli / 手五里
- Tý nhu/ LI14 / Binao / 臂臑
- Kiêng ngung/ LI15 / Jianyu / 肩髃
- Cự cốt/ LI16 / Jugu / 巨骨
- Thiên đình/ LI17 / Tianding / 天鼎
- Phù đột/ LI18 / Futu / 扶突
- Hòa liêu/ LI19 / Heliao / 禾髎
- Nghinh hương/ LI20 / Yingxiang / 迎香
7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên kinh đại trường
1/ Thương dương / LI1 / Shangyang / 商阳
Ý nghĩa: Huyệt thuộc kinh Dương Minh ( thuộc Dương), là nơi tiếp nhận khí từ Phế (âm) chuyển sang ( như 1 hình thức buôn bán - thương), vì vậy gọi là Thương Dương (Trung Y Cương Mục).
Đặc tính: (Một trong ngũ du huyệt - Huyệt Tỉnh thuộc Kim )
- Vị trí: phía xương quay của ngón tay trỏ (phía ngón tay cái), cách gốc móng 0,1 thốn.
- Tác dụng: Ngón tay tê hoặc co giật, đau vai kèm đau hố trên đòn, họng sưng đau, răng đau, sưng đau hàm, hoa mắt, điếc tai, ù tai, trúng phong hôn mê, sốt không ra mồ hôi.
- Thủ thuật: Châm hướng kim về phía bàn tay, châm xiên, sâu 0,1 tấc.
Chú ý: Nếu sốt cao, hôn mê, đau sưng họng cấp dùng kim tam lăng trích cho ra máu.
2/ Nhị gian/ LI2 / Erjian / 二间
Ý nghĩa: Nhị = 2; Gian = khoảng trống. Huyệt ở khoảng giữa lóng tay 2 và 3, lại là huyệt thứ 2 của kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Nhị Gian (Trung Y Cương Mục).
Đặc tính: ( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy).
- Vị trí: ở chỗ lõm, phía trước sát khớp xương ngón trỏ và xương bàn về phía xương quay.
- Tác dụng: Đau bàn tay, ngón tay, đau cánh tay, đau vai, hầu họng sưng đau, đau răng, sưng hàm, méo mồm, mắt đau, chảy máu mũi, hoa mắt, sốt nóng.
- Thủ thuật: Châm luồn kim dưới da, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 5-10 phút.
3/ Tam gian/ LI3 / Sanjian / 三间
Ý nghĩa: Huyệt ở cuối lóng (gian) ngón tay trỏ, lại là huyệt thứ 3 của kinh Đại Trường, vì vậy gọi là Tam Gian (Trung Y Cương Mục).
Đặc tính: ( Huyệt Du thuộc Mộc).
- Vị trí: ở chỗ lõm sau dưới gần đầu trên xương bàn số 2, về phía xương quay.
- Tác dụng: Sưng đau ngón tay, mu bàn bàn tay sưng đau, đau răng (hàm dưới), hầu họng sưng đau, đau bụng, đau mắt cấp.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.
4/ Hợp cốc/ LI4 / Hegu / 合谷
Ý nghĩa: Huyệt ở vùng hổ khẩu, có hình dạng giống như chỗ gặp nhau (hợp) của miệng hang (cốc), vì vậy gọi là Hợp Cốc, Hổ Khẩu.
Đặc tính: ( Huyệt Nguyên)
- Vị trí: ở chỗ lõm giữa xương ngón tay cái và ngón trỏ. Hoặc giữa khe đốt bàn ngón 1 - 2, chếch về phía xương bàn tay 2.
- Tác dụng: Đau tê bàn tay, ngón tay, đau cánh tay, đau vai, đau họng, đau răng, sưng mặt, liệt mặt, chảy máu mũi, ù tai, đau mắt, trúng phong, sốt cao không ra mồ hôi, đau đầu, bế kinh, nhiều mồ hôi, làm co tử cung.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.
- Chú ý: Kết hợp với Nội quan, để châm tê chung toàn thân.
5/ Dương khê/ LI5 / Yangxi / 阳溪
Ý nghĩa: Huyệt ở chỗ lõm (giống khe suối = khê) tại cổ tay, ở mu bàn tay (mu = mặt ngoài = Dương), vì vậy gọi là Dương Khê.
Đặc tính: ( Huyệt Kinh thuộc Hỏa).
- Vị trí: ở trong chỗ lõm ở cổ tay, giữa hai đường gân cơ duỗi ngắn, duỗi dài ngón cái.
- Tác dụng: Đau cổ tay, đau nhức khớp khuỷu, khớp vai, cẳng tay, cánh tay, đau họng, đau răng, đau mắt đỏ, ù tai, điếc tai, sốt cao, ngực đày tức, khó thở, phát cuồng, đau đầu.
- Thủ thuật: Châm thẳng, luồn kim vào khe xương, sâu 0,3-0,4 tấc. Cứu 10-15 phút.
- Chú ý: Kết hợp với Liệt khuyết , để chữa sưng , đau cổ tay.
6/ Thiên lịch/ LI6 / Pianli / 偏历
Ý nghĩa: Thiên = lệch về 1 bên; Lịch = đi ngang qua. Kinh Biệt của thủ Dương Minh Đại Trường nổi lên từ huyệt này và hơi đi lệch sang 1 bên để nối với kinh thủ Thái Âm Phế, vì vậy, gọi là Thiên Lịch (Trung Y Cương Mục).
Đặc tính: ( Huyệt Lạc nối với kinh Thái âm Phế).
- Vị trí: ở sau cổ tay 3 tấc, tại mặt sau xương quay, phía trên huyệt Dương khê 3 thốn.
- Tác dụng: Đau cẳng tay, cổ tay, đau cánh tay, đau vai, họng sưng đau, chảy máu mũi, ù tai, điếc tai, đau mắt đỏ, phù thũng ( chứng của Phế).
- Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,4 tấc. Cứu 10-20 phút.
7/ Ôn lưu/ LI7 / Wenliu / 温溜
Ý nghĩa: Ôn = dương khí, Lưu = lưu thông. Huyệt là nơi dương khí lưu thông, vì vậy gọi là Ôn Lưu (Trung Y Cương Mục).
Đặc tính: (Huyệt Khích).
- Vị trí: Cách huyệt Dương khê về phía khuỷu tay 5 thốn, trên đường nối huyệt Dương khê với Khúc trì.
- Tác dụng: Đau cẳng tay, đau cánh tay, khuỷu tay sưng đau, đau vai, đau đầu, họng sưng đau, sưng mặt, đau lưỡi, đau họng cấp, sôi ruột, đau bụng.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
8/ Hạ liêm/ LI8 / Xialian / 下廉
Ý nghĩa: Huyệt ở phía dưới (hạ) huyệt Thượng Liêm, vì vậy gọi là Hạ Liêm.
- Vị trí: ở sau xương quay, dưới huyệt Thượng liêm 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành). Hoặc cuối nếp khuỷu tay xuống 3 thốn.
- Tác dụng: Đau cẳng tay, khuỷu tay đau, liệt chi trên, đau bụng, sôi ruột.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
9/ Thượng liêm/ LI9 / Shanglian / 上廉
Ý nghĩa: Liêm = phía ngang. Huyệt ở trên (thượng) huyệt Hạ Liêm 1 thốn, vì vậy gọi là Thượng Liêm (Trung Y Cương Mục).
- Vị trí: ở dưới huyệt Thủ tam lý 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành). Hoặc cuối nếp khuỷu tay xuống 3 thốn.
- Tác dụng: Tay chân tê dại, bại liệt chi trên, đau nhức vai và cổ, sôi bụng, đau bụng.
- Thủ thuật: châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
10/ Thủ tam lý/ LI10 / Shousanli / 手三里
Ý nghĩa: Huyệt ở dưới khủy tay 3 (tam) thốn, lại ở vùng tay (thủ), vì vậy gọi là Thủ Tam Lý (Trung Y Cương Mục). (Xem thêm ý nghĩa ở huyệt Túc Tam Lý - Vị 36).
- Vị trí: Cuối nếp khuỷu tay xuống 2 thốn.
- Tác dụng: Đau vùng khuỷu tay, liệt chi trên, răng đau, gáy đau, đau nhức cổ vai, đau bụng, nôn mữa, tiêu chảy.
- Thủ thuật: Châm thẳng sâu 0,5- 1 tấc. Cứu 10-20 phút.
- Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy theo kinh, có khi có cảm giác như điện giật.
11/ Khúc trì/ LI11 / Quchi / 曲池
Ý nghĩa: Huyệt ở chỗ lõm (giống cái ao = trì) khi tay cong (khúc) lại, vì vậy gọi là Khúc Trì.
Đặc tính: ( Huyệt Hợp thuộc Thổ).
- Vị trí: cuối nếp khuỷu tay.
- Tác dụng: Đau sưng khuỷu tay, tay không có sức, phong chẩn, liệt chi trên, đau nhức chi trên, họng sưng đau, sốt, nổi mẩn, dị ứng, mụn nhọt, chàm, mắt đỏ đau.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,8 - 1,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
- Chú ý:
- Kết hợp với Thái xung, Huyết hải: chữa dị ứng.
- Kết hợp với Đại chùy, Hợp cốc, Thập tuyên chữa sốt cao.
12/ Trửu liêu/ LI12 / Zhouliao / 肘髎
Ý nghĩa: Huyệt ở sát (liêu) lồi cầu xương cánh tay (khuỷ tay = trữu) vì vậy gọi là Trữu Liêu.
- Vị trí: kéo dài nếp gấp khuỷu ra tới cạnh ngoài đầu xương cánh tay rồi lên 1 thốn.
- Tác dụng: Khuỷu tay đau, co rút, tay co giật, tê tay, lao hạch.
- Thủ thuật: Châm thẳng sâu 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.
13/ Ngũ lý/ LI13 / Shouwuli / 手五里
Ý nghĩa:
- Mã-Nguyên-Đài khi chú giải thiên ‘Khí Huyết Luận’ (TVấn.58) cho rằng : châm (thích) huyệt Ngũ Lý đến 25 thích thì khí của 5 tạng sẽ kiệt mà chết. Như vậy, huyệt này là nơi (lý) có liên hệ với năm (ngũ) Tạng, vì thế gọi là Ngũ Lý.
- Huyệt ở dưới huyệt Thiên Phủ 5 (ngũ) thốn, ở giữa đại mạch (lý), lại ở vùng tay (thủ) vì vậy gọi là Ngũ Lý hoặc Thủ Ngũ Lý (Trung Y Cương Mục).
- Vị trí: cuối nếp gấp khuỷu tay lên 3 thốn, co khuỷu tay để lấy huyệt.
- Tác dụng: cánh tay đau nhức hay co giật, khuỷu tay đau nhức, lao hạch cổ, răng đau, gáy đau, vai lưng đâu, tiêu chảy, liệt chi trên.
- Thủ thuật: Các sách Giáp ất, Đồng nhân, Đaị thành đều nói cấm châm. Cứu 10 phút
- Chú ý: Có sách nói có thể châm nông 0,3 - 0,5 tấc, bằng kim nhỏ và không kích thích mạnh.
14/ Tý nhu/ LI14 / Binao / 臂臑
Ý nghĩa: : Tên huyệt này có thể hiểu theo hai cách:
a- Vì huyệt nằm ở vùng thịt mềm (nhu) của cánh tay (tý) vì vậy gọi là Tý Nhu (Đtr.14) (Trung Y Cương Mục). Bản dịch Anh và Pháp theo ý này.
b- Vì huyệt có tác dụng châm trị cánh tay (tý) bị mềm yếu (nhu), không có sức (Châm Cứu Học Từ Điển), vì vậy gọi là Tý Nhu.
Đặc tính: ( Huyệt Hợp của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương duy và các kinh Thái dương ở tay và chân ).
- Vị trí: cạnh ngoài cánh tay, phía trước, đầu dưới cơ tam giác vai trên đường nối Khúc trì và Kiên ngung.
- Tác dụng: Đau nhức cánh tay, tay không giơ lên được, đau nhức khuỷu tay, cổ gáy cứng, lao hạch cổ.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,5 - 0,7 tấc. Cứu 10-20 phút.
15/ Kiêng ngung/ LI15 / Jianyu / 肩髃
Ý nghĩa: Huyệt ở một góc (ngung) của xương vai (kiên), vì vậy gọi là Kiên Ngung.
Đặc tính: ( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương kiểu )
- Vị trí: ở đầu vai, phía dưới mõm cùng vai.
- Tác dụng: Đau vùng vai, đau tay, bại liệt chi trên, phong chẩn, lao hạch.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,8- 1,5 tấc hoặc châm mũi kim hướng dọc theo xương cánh tay. Cứu 15-30 phút.
- Chú ý: Kết hợp với Khúc trì, Hợp cốc , để chữa liệt chi trên.
16/ Cự cốt/ LI16 / Jugu / 巨骨
Ý nghĩa: Huyệt ở gần u xương vai, giống như một xương (cốt) to (cự), vì vậy gọi là Cự Cốt.
Đặc tính: ( Huyệt Hội của kinh Dương minh ở tay với mạch Dương kiểu).
- Vị trí: Chỗ lõm, điểm giữa mõm ngoài xương đòn và xương bả vai.
- Tác dụng: Đau vùng vai, đau cánh tay, khó nâng tay lên, bại liệt chi trên, lao hạch.
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,5- 1,2 tấc. Cứu 10-20 phút.
17/ Thiên đình/ LI17 / Tianding / 天鼎
Ý nghĩa: Thiên = vùng bên trên; Đỉnh = cái vạc có 3 chân. Huyệt này hợp với huyệt Khuyết Bồn (Vi.12) và Khí Xá (Vi.11), tạo thành 3 góc, giống cái vạc 3 chân, vì vậy gọi là Thiên Đỉnh (Trung Y Cương Mục).
- Vị trí: Từ yết hầu sang 2 bên 3 thốn xuống 1 thốn, phía sau cơ ức đòn chũm.
- Tác dụng: Hầu họng sưng đau, khan tiếng, ăn nghẹn, lao hạch, bướu cổ (khí anh).
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
18/ Phù đột/ LI18 / Futu / 扶突
Ý nghĩa: Phù = giống như 4 ngón tay nằm ngang = 3 thốn; Đột ý chỉ cuống họng. Huyệt ở cách cuống họng 3 thốn, vì vậy gọi là Phù Đột (Trung Y Cương Mục).
- Vị trí: ở yết hầu (sụn tuyết giáp) sang 2 bên 3 thốn, ở giữa 2 đầu nhánh ức, nhánh đòn nhập vào thành cơ ức đòn chũm.
- Tác dụng: họng sưng đau, khan tiếng, ăn nghẹn, lao hạch, ho, hen suyễn, bướu cổ (khí anh).
- Thủ thuật: Châm thẳng, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.
19/ Hòa liêu/ LI19 / Heliao / 禾髎
Ý nghĩa: Râu ở môi trên có hình giống như cây lúa (hòa); Liêu chỉ khe hở (chỉ Nhân trung), huyệt ở vị trí môi trên lại gần nhân trung, vì vậy gọi là Hòa Liêu (Trung Y Cương Mục).
- Vị trí: ở dưới lỗ mũi, từ huyệt Nhân trung ra 2 bên 0,5 thốn.
- Tác dụng: Chảy máu mũi, nghẹt mũi, méo miệng, cấm khẩu.
- Thủ thuật: Châm sâu 0,2 - 0,3 tấc. Không cứu.
- Chú ý: Khu vực dễ bị nhiễm trùng, cần lưu ý.
20/ Nghinh hương/ LI20 / Yingxiang / 迎香
Ý nghĩa: Huyệt có tác dụng làm mũi được thông, đón nhận (nghênh) được mùi thơm (hương), vì vậy gọi là Nghênh Hương.
Đặc tính: (Huyệt Hội của các kinh Dương minh ở tay và ở chân).
- Vị trí: cách cạnh ngoài lỗ mũi 0,2 thốn. Điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi - má.
- Tác dụng: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy máu mũi, viêm xong mũi, méo miệng, mặt sưng, liệt mặt.
- Thủ thuật: Châm sâu 0,2 - 0,3 tấc.
- Chú ý:
- Kết hợp với Thượng tinh, chữa chảy nước mũi.
- Kết hợp với Khúc trì, Hợp cốc, chữa viêm mũi.
- Khi cần cứu không được gây bỏng.
Thực hiện bài viết: hovietcan.com
Tham khảo: tham khảo nhiều nguồn uy tín + internet
0 Nhận xét