Kinh Thủ Thái Âm Phế

Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Thái Âm Phế là khởi nguồn của 1 trong 12 đường kinh mạch tuần hành của cơ thể. Nó là một đường kinh âm (kinh ly tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 3 giờ sáng - 5 giờ sáng.

Kinh Thủ Thái Âm Phế
Hình ảnh minh họa kinh thủ Thái Âm Phế


1/ Tên Của Đường Kinh Thủ Thái Âm Phế

Tên tiếng việt: Kinh Thủ Thái Âm Phế hoặc Thủ Thái Âm Phế Kinh

Tên tiếng anh: The Lung Meridian/ Taiyin Lung Meridian of Hand 

Tên tiếng Trung: Tai Yin Hand/ 手太陰肺經 手太阴肺经

2/ Đường đi của kinh Thủ Thái Âm Phế

Đường đi: Đường kinh gồm 2 nhánh, nhánh ẩn không có huyệt đi qua là bắt đầu từ Trung tiêu đi xuống liên hệ với Đại trường rồi vòng ngược lại lên dạ dày (tâm vị, môn vị) và xuyên qua cách mô lên Phế thuộc Phế, tiếp tục lên thanh quản, họng, đi ngang ra dưới hố nách, chạy dọc theo mặt bên của ngực (bắt đầu cho nhánh có huyệt chạy qua) huyệt (Trung phủ/ LU1), từ đây đi qua vai và tiếp tục đi ở mặt trước ngoài của cánh tay, tới mặt ngoài của gân bắp tay ở nếp gấp khuỷu tay (huyệt Xích trạch /LU-5) và tiếp tục đi xuống cẳng tay đến cổ tay ngay phía trên gốc ngón tay cái (huyệt Thái uyên LU-9), đến bờ ngón cái tận cùng ở gốc móng tay cái (huyệt Thiếu thương/ LU11). 

Phân nhánh: Từ huyệt Liệt khuyết tách ra 1 nhánh đi ở mu bàn tay, tới góc móng bờ phía trong ngón tay trỏ nối với kinh  thủ Dương minh đại trường.

Đường đi của kinh Thủ Thái Âm Phế
Minh họa đường đi của kinh Thủ Thái Âm Phế

3/ Biểu hiện bệnh lý tạng phế:

Kinh bị bệnh: Đau tức thượng đòn, đau tức ngực, mắt tối sầm, rối loạn nhịp tim, mặt trong chi trên đau.

Tạng bị bệnh: Ngực phổi đầy tức, ho, suyễn, khó thở, khát, đái rắt, đái vàng, ngực bồn chồn, gan tay nóng, nếu cảm phong hàn có sốt, gai rét, có hoặc không có mồ hôi.

4/ Sinh lý tạng phế

Phế chủ khí, Phế triều bách mạch, Phế chủ tuyên phát và túc giáng, Phế chủ hành thủy, Phế chủ trị tiết, Kỳ hoa tại mao, Phế khai phiếu ra mũi, Phế chủ buồn rầu (bi), nước mũi là dịch của Phế.

5/ Trị các chứng bệnh: 

Sốt, bệnh ở phổi, ngực, họng, khí huyết ứ trệ, đái ít khó, có tác dụng hành khí hoạt huyết, lợi tiểu.

6/ Các huyệt trên đường Kinh Thủ Thái Âm Phế

Kinh Thủ Thái Âm Phế gồm có 11 huyệt ở một bên, tổng cộng là 22 huyệt 2 bên của cơ thể.

  1. Trung Phủ/ LU1 / Zhongfu / 中府
  2. Vân môn/ LU2 / Yunmen / 云门
  3. Thiên phủ/ LU3 / Tianfu / 天府
  4. Hiệp bạch/ LU4 / Xiabai / 侠白
  5. Xích trạch/ LU5 / Chize / 尺泽
  6. Khổng tối/ LU6 / Kongzui / 孔最
  7. Liệt khuyết/ LU7 / Lieque / 列缺
  8. Kinh cừ/ LU8 / Jingqu / 经渠
  9. Thái uyên/ LU9 / Taiyuan / 太渊
  10. Ngư tế/ LU10 / Yuji / 鱼际
  11. Thiếu thương/ LU11 / Shaoshang / 少商

7/ Vị trí và tác dụng các huyệt trên kinh phế

1/  Trung Phủ/ LU1 / Zhongfu / 中府/ jung bu 중부, chū fu - 수태음폐경

Tên gọi khác: Huyệt Phủ Trung Dư, huyệt Ưng Trung Du, Ưng Du

Ý nghĩa: Phủ chỉ nơi kinh khí hội tụ. Huyệt là nơi hội tụ mạch khí của kinh Phế. Giữa ngực là nơi thần khí của Phế hội tụ, vì vậy gọi là Trung Phủ (Trung Y Cương Mục).

Đặc tính:

Huyệt Mộ – Nơi khí tạng Phế đến.

Huyệt Hội với Kinh Túc Thái Âm Tỳ.

Vị trí: 

Nằm ở phía dưới ngoài của xương đòn, cách xương đòn một thốn ngón tay. Hoặc nằm giữa hai xương sườn là 1 và 2, cách đường giữa của ngực 6 thốn.

Dưới huyệt vân môn 1,6 tấc, từ giữa ngực đi ra 2 bên điều 6 tấc, trong chỗ lõm sờ thấy mạch đập. Lấy ở ngoài mạch nhâm 6 tấc, trong khoảng gian xương sườn thứ 2, huyệt ở sát bờ xương sườn thứ 3.

Tác dụng: trị ho, hen suyễn, viêm khí quản, lao phổi, đau tức ngực, đau vai, đau lưng, viêm phế quản,...

Thủ thuật: Châm nghiêng hướng ra phía ngoài 0,3 - 0,5 thốn. Không châm quá sâu vào phía trong. Cứu 5-10 phút.

2/ Vân môn/ LU2 / Yunmen / 云门

Ý nghĩa: Vân chỉ hơi nước; Môn là nơi ra vào. Nơi con người, Phế khí gống như hơi nước ra vào qua cửa, vì vậy gọi là Vân Môn (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Nơi phát ra mạch khí của kinh Phế.

Vị trí: nằm ở vùng vai và ngực của cơ thể, chính xác ở hõm ngang cơ ngực to, phía dưới bờ xương đòn gánh, ngay chỗ lõm ngang cơ ngực to, giữa cơ Delta, nơi có gian xương sườn 1, cách đường ngực 0,6 tấc, trên huyệt Trung phủ 0,6 tấc.

Tác dụng: trị ho, hen suyễn, đau tức ngực, đau nhức và mệt mỏi ở lưng, viêm khớp quanh vai.

Thủ thuật: Châm thẳng xuống huyệt Vân Môn với độ sâu 3 - 5 phân. Nếu bệnh nhân bị nhiệt, không cần cứu, nhưng nếu bị hàn thì cứu 3 lần và lưu kim trong 10 phút.

3/ Thiên phủ/ LU3 / Tianfu / 天府

Ý nghĩa: Mũi là khiếu của Phế. Phế thông với thiên khí qua mũi. Đối với con người, Phế là phủ của khí, vì vậy gọi là Thiên Phủ (Trung Y Cương Mục).

Vị trí: ở bờ trong bắp cánh tay trong, ở dưới nách trước 3 tấc, nơi ngoài cơ 2 đầu cánh tay, trên huyệt Xích trạch khoảng 6 tấc.

Tác dụng: Đau phía trước - ngoài cánh tay, hen suyễn, chảy máu cam.

Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

4/ Hiệp bạch/ LU4 / Xiabai / 侠白

Ý nghĩa: Huyệt ở gần (hiệp) cơ nhị đầu cánh tay, chỗ thịt mầu trắng (bạch), vì vậy, gọi là Hiệp Bạch (Trung Y Cương Mục).

Vị trí: Ở mặc trong cánh tay, nơi gặp nhau của bờ ngoài cơ 2 đầu cánh tay với đường ngang dưới nếp nách trước 4 tấc, trên khớp khuỷu (Huyệt Xích trạch) 5 tấc, dưới huyệt thiên phủ 1 tấc.

Tác dụng: Đau mặt trong cánh tay, ho tức ngực, hơi thở ngắn, chảy máu mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen phế quản, 

Thủ thuật: Châm 0,3 - 0,5 tấc. Cứu 10-20 phút.

5/ Xích trạch/ LU5 / Chize / 尺泽

Ý nghĩa: Huyệt ở chỗ trũng (giống cái ao = trạch) cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa), vì vậy gọi là Xích Trạch (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Là một ngũ du huyệt - Huyệt hợp thuộc Thủy.

Vị trí: Trên nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài gân cơ nhị đầu.

Tác dụng: trị đau khuỷu tay, đau sưng cánh tay, ho, suyễn, viêm họng, viêm amydale, ho ra máu, ho có đờm, đau tức ngực, viêm họng.

Thủ thuật: châm thẳng vào huyệt vị 0.5 – 1 thốn, ôn cứu 5 đến 10 phút.

6/ Khổng tối/ LU6 / ( Kongzùi - Krong Tsoe) / 孔最 

Ý nghĩa: Huyệt có tác dụng thông khí lên mũi (tỵ khổng), làm tuyên thông Phế khí, vì vậy được dùng trị các bệnh ở tỵ khổng (mũi), do đó, gọi là Khổng Tối (Trung Y Cương Mục).

Đặc Tính: Là một Huyệt khích.

Vị trí: Từ lằn chỉ cổ tay (huyệt Thái uyên) đo lên 7 thốn, trên đường thẳng nối huyệt Xích trạch và Thái uyên.

Tác dụng: Chữa ho hen, ho ra máu, viêm họng, viêm phổi, viêm amydale, mất tiếng, đau do viêm quanh khớp vai, đau cánh tay, không co duỗi được cánh tay.

Thủ thuật: châm thẳng kim 0,5 - 0,7 thốn , cứu 3 - 7 phút.

7/ Liệt khuyết/ LU7 / Lieque / 列缺

Ý nghĩa: Liệt = tách ra. Khuyết = chỗ lõm. Huyệt ở trên cổ tay, nơi có chỗ lõm. Huyệt là Lạc huyệt của kinh Phế, từ chỗ này có 1 nhánh tách ra để nối với kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Liệt Khuyết (Trung Y Cương Mục) .

Đặc Tính: Huyệt lạc nối với kinh Dương minh ở tay. Huyệt Giao hội của mạch Nhâm với kinh Phế

Vị trí: Ở cạnh cổ tay lên 1,5 tấc, lấy hai bàn tay để khe ngón cái và ngón trỏ bắt chéo nhau, đầu ngón trỏ một tay đặt lên đầu xương cạnh cổ tay của tay kia,chỗ đầu ngón là huyệt. ( Đại thành)

Tác dụng: Sưng cổ tay, đau cẳng tay, đau đầu, cứng cổ gáy, ho, đau ngực, đái vàng, đái nhiều lần, đái khó, đau họng, các bệnh ở cổ gáy.

Thủ thuật: Châm xiên, sâu 0,2 - 0,3 tấc. Cứu 5 - 10 phút.

8/ Kinh cừ/ LU8 / Jingqu / 经渠

Ý nghĩa: Huyệt nằm ở rãnh (cừ) mạch quay và gân cơ tay, giống như cái rạch ở giữa 2 đường kinh, vì vậy gọi là Kinh Cừ.

Đặc Tính: (Huyệt kinh thuộc Kim)

Vị trí: Ở chỗ lõm thốn khẩu ( Giáp ất). Lấy ở trong rãnh mạch quay, ở phía trong đầu dưới xương quay trên nếp gấp cổ tay 1 tấc.

Tác dụng: Sưng, đau cổ tay, ho, đau họng, đau ngực, sốt không ra mồ hôi.

Thủ thuật: Châm 0,2 tấc. Không cứu.

Chú ý: Tránh châm vào động mạch và màng xương, không dùng kim tam lăng để chích máu.

9/ Thái uyên/ LU9 / Taiyuan / 太渊

Ý nghĩa: Khi hơi co bàn tay vào phía cẳng tay, tại bờ ngoài lằn chỉ cổ tay, gần xương tay quay, tạo thành 1 chỗ rất (thái) lõm, như 1 cái hố sâu (uyên), vì vậy, gọi là Thái Uyên.

Đặc Tính: Huyệt Thái uyên là huyệt Hội của mạch và là huyệt Bổ của kinh Phế

Vị trí: trên lằn chỉ ngang cổ tay, ngay cuối rãnh tay quay.

Tác dụng: trị đau ngực, đau lưng và vai, đau quanh khớp cổ tay, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, suyễn, viêm họng.... 

Thủ thuật: Châm kim thẳng, sâu 0.3 - 0.5 thốn, ôn cứu trong 3 - 5 phút.

Chú ý: tránh châm vào động mạch và xương.

10/ Ngư tế/ LU10 / Yuji / 鱼际

Ý nghĩa: Mã-Nguyên-Đài khi chú gia?i về huyệt Ngư Tế cho rằng: Ngư Tế là phần thịt giống như hình dạng con cá (ngư) trên bàn tay. Vì vậy gọi là Ngư Tế.

Đặc Tính: Huyệt Huỳnh thuộc Hỏa.

Vị trí: Trung điểm xương bàn của ngón cái, huyệt nằm trên chỗ trên chỗ tiếp giáp da mu bàn tay và long bàn tay.

Tác dụng: Đau bàn tay, nóng bàn tay, ho, ho ra máu, sốt, đau đầu, đau sưng họng.

Thủ thuật: Mũi kim hướng về lòng bàn tay, sâu 0,3-0,5 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Cự cốt, Xích trạch chữa ho ra máu.

11/ Thiếu thương/ LU11 / Shaoshang / 少商

Ý nghĩa: Trương-Chí-Thông, khi chú gia?i ‘Linh Khu’, đã gia?i thích rằng: ‘Kinh Thủ Thái Âm chủ về khí bất cập cua Kim Khí mùa Thu, vì vậy gọi huyệt này là Thiếu Thương (P.11) ’.

Đặc Tính: Huyệt Tỉnh thuộc hành Mộc của kinh Phế.

Vị trí: Tại bờ ngoài ngón tay cái cách góc móng tay 0.1 tấc về phía tay quay.

Tác dụng: trị viêm họng, viêm amydale và một số chứng bệnh khác như là trúng gió, khó thở, hôn mê, sốt, động kinh.

Thủ thuật: Châm thẳng, châm sâu khoảng 0.1 – 0.2 thốn. Ngoài ra, có thể châm xiên hoặc dùng kim tam lăng để chích nặn máu.

Chú ý: Với bệnh nhân sốt cao, cảm cúm nên châm và chích nặn ra 7 giọt máu để trị bệnh tương đối nhanh.

>>> Xem thêm: các huyệt chẩn đoán, huyệt chính trên kinh phế

Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Tham khảo: tham khảo nhiều nguồn

Đăng nhận xét

0 Nhận xét