Các Huyệt Chính Của Kinh Bàng Quang (chẩn đoán + điều trị)

Theo y học cổ truyền Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với Kinh Túc Thiếu Âm Thận. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều. Vượng giờ Thân (15 - 17g), Hư giờ Dậu (17 - 19g), Suy giờ Dần (3 - 5g). Nhiều huyết, ít Khí. Ấn đau huyệt Trung cực, Bàn quang du (Bối du huyệt).

Tên tiếng việt: Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang

Tên tiếng anh: The Urinary Bladder Meridian

Tên tiếng Trung: 足太阳膀胱经 足太陽膀胱經

Các Huyệt Chính Của Kinh Bàng Quang

Lộ Trình Của Kinh Bàng Quang

Khởi đầu ở góc trong mắt, từ huyệt Tình minh lên trán, thẳng lên đỉnh đầu, giao hội với mạch đốc ở huyệt Bá Hội, phân nhánh vào não rồi đi tiếp ra sau Gáy. Từ gáy phân ra 2 nhánh.

Một nhánh đi theo dọc cột sống (cách 1,5 thốn), đến vùng thắt lưng, vào thận và Bàng Quang, tại đây chạy xuống vùng mông đến giữa nhượng chân.

Một nhánh từ gáy đi kèm 2 bên cột sống (cách 3 thốn), thẳng qua mông đến mấu chuyển lớn theo mặt sau đùi xuống hợp với đường kinh trước ở giữa nhượng chân.

Từ nhượng chân đi tiếp xuống mặt sau cẳng chân, qua gót chân, đến sau mắt cá ngoài, dọc theo bờ ngoài bàn chân đến đầu ngón chân út để hợp với kinh túc thiếu âm Thận.

Các Huyệt Chính Của Kinh Bàng Quang

Lạc ngang - Lạc dọc

Lạc dọc: Từ lạc huyệt Phi dương theo đường đi của kinh chính lên Gáy, vòng lên đầu đến huyệt Tình minh rồi tán vào miệng.

Lạc ngang: Từ lạc huyệt Phi dương đi dọc theo bờ ngoài cẳng chân xuống ngoài mắt cá chân rồi dọc mu chân đến bờ ngoài ngón chân út rồi nối với Kinh túc thiếu âm thận.

Các Huyệt Chính Của Kinh Bàng Quang (Chẩn đoán + Điều trị).

Huyệt chẩn đoán

Trung cực:

Bàn quang du:

Huyệt điều trị

Chí âm 至陰

Đặc tính: Huyệt Tỉnh, thuộc hành Kim. Huyệt Bổ của kinh Bàng quang.

Vị trí: Ở bờ ngoài ngón út, cách góc chân móng 0,2 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân - mu chân.

Tác dụng: Sơ phong ở đỉnh sọ, tuyên khí cơ hạ tiêu, hạ điều thai sản. Trị ngón chân thứ 5 đau, đầu đau, mũi nghẹt, mũi chảy máu, thai bị lệch (cứu).

Châm cứu: Châm xiên lên trên sâu 0,1 - 0,2 thốn, hoặc châm nặn ra ít máu - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5-10 phút.

Các Huyệt Chính Của Kinh Bàng Quang

Thông cốc 通 谷

Đặc tính: Huyệt Vinh (Huỳnh) của kinh Bàng quang, thuộc hành Thủy.

Vị trí: Ở chỗ lõm phía trước khớp xương bàn và ngón chân 5, bờ ngoài bàn chân, nơi tiếp giáp lằn da gan chân - mu chân.

Tác dụng: Tán phong, thanh nhiệt, trấn kinh, an thần. Trị đầu đau, chóng mặt, động kinh, tiêu hóa kém.

Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn - Cứu 5 - 10 phút.

Thông cốc

Thúc cốt 束骨

Đặc tính: Huyệt Du của kinh Bàng quang, thuộc hành Mộc. Huyệt Tả của kinh Bàng quang.

Vị trí: Ở chỗ lõm phía sau đầu nhỏ của xương bàn chân 5, nơi tiếp giáp da gan chân - mu chân.

Tác dụng: Sơ phong, tán tà, thanh nhiệt, giải độc, thư cân, hoạt lạc. Trị đầu đau, chóng mặt, phía ngoài bàn chân đau, động kinh.

Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Thúc cốt

Kinh cốt 京骨

Đặc tính: Huyệt Nguyên.

Vị trí: Bờ ngoài bàn chân, thẳng với ngón út, trước huyệt Kim môn, đầu sau xương bàn chân 5, nơi tiếp giáp làn da đổi màu.

Tác dụng: Khu phong, sơ tà, định thần chí. Trị đầu đau, chóng mặt, hồi hộp, động kinh, cơ tim viêm, lưng, đùi đau.

Châm cứu: Châm xiên, mũi kim hướng vào trong phía dưới, sâu 0,3-0,5 thốn. Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5-10 phút.

Kinh cốt

Kim môn 金門

Đặc tính: Huyệt Khích. Huyệt xuất phát của mạch Dương duy. Biệt của túc Thái dương và mạch Dương duy.

Vị trí: Dưới và trước huyệt Thân mạch, cách Thân mạch 0,5 thốn, nơi chỗ lõm chếch về phía trước sát bờ xương hộp, đầu sau xương bàn chân 5.

Tác dụng: Thư cân, hoạt lạc, khai khiếu, an thần. Trị quanh khớp mắt cá chân đau, gót chân và lưng đùi đau, trẻ nhỏ kinh phong, động kinh.

Thi quyết: dùng huyệt Kim môn làm chính (Giáp ất kinh).

Châm cứu: Châm thẳng 0,3-0,5 thốn - Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5-10 phút.

Kim môn

Thân mạch 身脈

Đặc tính: Huyệt Hội của kinh túc Thái dương Bàng quang và mạch Dương kiều. Huyệt mở của Dương kiều mạch, nơi mạch Dương kiều xuất phát.

Vị trí: Nơi rãnh thẳng từ đầu nhọn mắt cá ngoài xuống 0,5 thốn (gấp duỗi bàn chân để tìm gân cơ).

Tác dụng: Thanh thần chí, thư cân mạch, khu biểu tà. Trị đầu đau, chóng mặt, khớp mắt cá viêm, động kinh.

Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Thân mạch

Côn lôn 昆侖

Đặc tính: Huyệt Kinh, thuộc hành Hỏa. 

Vị trí: Tại giao điểm của bờ ngoài gót chân và đường kéo từ nơi cao nhất của mắt cá chân, chỗ lõm giữa khe gân cơ mác bên ngắn và gân cơ mác bên dài, trước gân gót chân, ở sau đầu dưới xương chầy.

Tác dụng: Khu phong, thông lạc, thư cân, hóa thấp, bổ thận, lý huyết trệ ở bào cung. Trị khớp mắt cá và tổ chức mềm chung quanh bị sưng đau, thần kinh tọa đau, lưng đau, chi dưới liệt, nhau thai không xuống.

Châm cứu: Châm thẳng tới Thái khê hoặc 1 bên ngoài mắt cá, sâu 0,5-1 thốn. Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5-10 phút.

Ghi chú: Có thai không châm.

Côn lôn

Phi dương 飛陽

Đặc tính: Huyệt Lạc của kinh Bàng quang.

Vị trí: Đỉnh ngoài mắt cá chân đo lên 7 thốn, ngang huyệt Thừa sơn 1 thốn. Nơi tiếp giáp giữa phần thịt và phần gân của bờ ngoài cơ sinh đôi ngoài.

Tác dụng: Khu phong tà ở kinh Thái dương, tán phong thấp ở kinh lạc. Trị vùng lưng và chân đau, khớp viêm do phong thấp, viêm bàng quang, viêm thận, động kinh.

Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Phi dương

Thừa sơn 承山

Vị trí: Ở giữa đường nối huyệt Ủy trung và gót chân, dưới Ủy trung 8 thốn, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi ngoài và trong.

Tác dụng: Thư cân lạc, lương huyết, điều phủ khí. Trị cơ bắp chân co rút, thần kinh tọa đau, liệt chi dưới, gót chân đau, trĩ, sa trực trường.

Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Thừa sơn

Ủy trung 委中

Đặc tính: Huyệt Hợp của kinh Bàng quang, thuộc hành Thổ. Một trong Lục tổng huyệt chủ trị vùng Lưng. Huyệt xuất phát kinh Biệt Bàng quang và Thận.

Vị trí: Ngay giữa lằn chỉ ngang nếp nhượng chân.

Tác dụng: Thanh huyết, tiết nhiệt, thư cân, thông lạc, khu phong thấp. Trị viêm khớp gối, cơ bắp chân co rút, vùng lưng và thắt lưng đau, thần kinh tọa đau, liệt chi dưới, trúng nắng.

Châm cứu: Châm thẳng 0,5-1 thốn. Khi trị chấn thương cấp ở vùng thắt lưng, dùng kim tam lăng chích nặn ra máu.

Ủy trung

Cao hoang 膏肓

Đặc tính: Huyệt có tác dụng nâng cao chính khí và phòng bệnh. Bệnh nhập Cao hoang là bệnh khó chữa.

Vị trí: Ngay dưới gai sống lưng 4, đo ngang 3 thốn.

Tác dụng: Bổ Phế, kiện Tỳ, bổ hư lao, định Tâm, an thần, bổ Thận, bổ hư tổn. Trị lao phổi, phế quản và màng ngực viêm, thần kinh suy nhược. Có tác dụng nâng cao chính khí và phòng bệnh tật.

Châm cứu: Châm xiên 0,3 - 0,5 thốn - Cứu 7 - 15 tráng đến 100 tráng - Ôn cứu 20 - 30 phút.

Cao hoang

Thứ liêu 次髎

Đặc tính: Một trong Bát liêu huyệt. Huyệt đặc hiệu dùng cứu trị bịnh phụ khoa, sinh dục (phái nam), thấp khớp viêm (Châm cứu chân tủy).

Vị trí: Nơi lỗ xương thiêng 2, điểm giữa cạnh dưới của gai chậu sau trên và Đốc mạch.

Tác dụng: Thông kinh, lý khí, hoạt huyết, chỉ thống. Trị vùng thắt lưng và xương cùng chậu đau, tử cung viêm, dịch hoàn sưng, xích bạch đới.

Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn - Cứu 3 - 7 tráng - Ôn cứu 5 - 15 phút.

Ghi chú: Theo Nakatani Yoshio: ấn mạnh vào huyệt Thứ liêu thấy đau:

  • Dấu hiệu đã có thai.
  • Đang hành kinh.
  • Tiền liệt tuyến viêm (đàn ông).
Thứ liêu

Thận du 腎俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh túc Thiếu âm Thận. 

Vị trí: Dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Mệnh môn.

Tác dụng: Ích Thủy, tráng hỏa, điều Thận khí, kiện cân cốt, minh mục, thông nhĩ. Trị viêm thận, tiểu dầm, thắt lưng đau, điếc, tai ù, tiêu chảy mạn tính, kinh nguyệt rối loạn, liệt dương, di mộng tinh.

Châm cứu: Châm thẳng 0,5 - 1 thốn - Cứu 5 - 7 tráng - Ôn cứu 10 - 20 phút.

Thận du

Vị du 胃 俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh túc Dương minh Vị.

Vị trí: Dưới gai sống lưng 12, đo ngang ra 1,5 thốn.

Tác dụng: Điều Vị khí, hóa thấp, tiêu trệ. Trị đau dạ dầy, viêm dạ dầy, loét dạ dầy, sa dạ dầy, no hơi, nôn mửa, tiêu chảy mạn tính, cơ bụng liệt.

Châm cứu: Châm xiên về phía cột sống, sâu 0,5 - 08 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Tỳ du 脾 俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh túc Thái âm Tỳ. 

Vị trí: Dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1,5 thốn.

Tác dụng: Trợ vận hóa, điều Tỳ khí, trừ Thủy thấp. Trị dạ dày viêm loét, dạ dầy đau, tiêu chảy mạn tính, gan viêm, sốt sét, bệnh xuất huyết mạn tính, phong ngứa, liệt cơ bụng.

Châm cứu: Châm xiên về cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 5 - 7 tráng - Ôn cứu 10 - 20 phút.

Đởm du 膽 俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh Túc Thiếu dương Đởm. Thuộc nhóm huyệt Tứ hoa (Đởm du, Cách du).

Vị trí: Dưới gai sống lưng 10, đo ngang ra 1,5 thốn.

Tác dụng: Khứ thấp nhiệt, thanh Đởm hỏa, tiết tà nhiệt ở Can. Trị lưng đau, viêm gan, viêm túi mật, nôn mửa.

Châm cứu: Châm xiên về cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Can du 肝俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh túc Quyết âm Can. 1 trong các yếu huyệt của phái Trạch Điền (Châm cứu chân tủy), có tác dụng làm mạnh cơ thể.

Vị trí: Dưới gai sống lưng 9, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Cân súc.

Tác dụng: Điều khí trệ, bổ vinh huyết, lợi Can Đởm. Trị các bệnh về mắt mạn tính, mộng thịt ở mắt, mắt sưng đau, hoa mắt, mắt có màng, hoàng đản, túi mật viêm, gan viêm, lưng đau, cuồng, chảy máu mũi. 

Châm cứu: Châm xiên về cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Cách du 膈俞

Đặc tính: Huyệt Hội của Huyết. 1 trong Tứ hoa huyệt (Cách du, Đởm du). 1 trong Lục hoa huyệt (Cách du, Can du, Tỳ du).

Vị trí: Dưới gai đốt sống lưng 7, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Chí dương.

Tác dụng: Lý khí, hóa ứ, bổ hư lao, thanh huyết nhiệt, hòa Vị khí, thư dãn vùng ngực. Trị các bệnh có xuất huyết, máu thiếu, nấc cụt, nôn mửa do thần kinh, co thắt cơ hoành, thắt lưng đau, mồ hôi ra nhiều, mồ hôi trộm, kém ăn. 

Châm cứu: Châm xiên về cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Tâm du 心俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh thủ Thiếu âm Tâm.

Vị trí: Dưới gai sống lưng 5, đo ngang ra 1,5 thốn.

Tác dụng: Dưỡng Tâm, an thần định chí, lý huyết, điều khí. Trị bệnh về tim, tâm thần phân liệt, động kinh, thần kinh suy nhược.

Châm cứu: Châm xiên về cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Phế du 肺俞

Đặc tính: Huyệt Bối du của kinh Phế. 

Vị trí: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Thân trụ.

Tác dụng: Điều Phế, lý khí, thanh hư nhiệt, bổ hư lao, hòa vinh huyết. Trị lao phổi, viêm phổi, viêm khí quản, suyễn, mồ hôi tự ra, mồ hôi trộm.

Châm cứu: Châm xiên về phía cột sống 0,3 - 0,5 thốn - Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Phong môn 風門

Đặc tính: Hội của kinh Bàng quang với mạch Đốc.

Vị trí: Dưới mỏm gai đốt sống lưng 2, ra ngang 1,5 thốn.

Tác dụng: Khu phong tà, giải biểu. Trị cảm mạo, phế quản viêm, vùng lưng và vai đau, cổ gáy vẹo.

Châm cứu: Châm xiên về phía cột sống 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Phong môn

Thiên trụ 天柱

Vị trí: Ở vùng gáy, dưới u lồi chẩm phía ngoài, ngang huyệt Á môn ra 1,3 thốn, ở bờ ngoài cơ thang.

Tác dụng: Khứ phong, tán hàn, thư cân, hoạt lạc, thanh đầu, minh mục, chỉ thống. Trị sau đầu đau, gáy đau, cổ vẹo, mất ngủ, viêm thanh quản.

Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,5 - 1 thốn - Ôn cứu 3 - 5 phút.

Thiên trụ

Toản trúc 攢筑

Vị trí: Chỗ lõm đầu trong chân mày, thẳng trên góc mắt trong.

Tác dụng: Khứ phong, minh mục. Trị đầu đau, mắt đau, liệt mặt.

Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 thốn. Trị bệnh về mắt, châm xiên hướng xuống đến huyệt Tinh minh. Trị đầu đau, mặt liệt, châm xuyên đến huyệt Ngư yêu. Trị đau ở trước Ấn đường, châm luồn kim dưới da, 2 thân kim chéo nhau ở giữa Ấn đường.

Toản trúc

Tình minh 睛明

Đặc tính: Huyệt nhận được những mạch của kinh chính thủ Thái Dương, túc Dương minh, mạch Âm kiều, mạch Dương kiều và mạch Đốc.

Vị trí: Cách đầu trong góc mắt 0,1 thốn.

Tác dụng: Sơ phong tiết nhiệt, thanh hỏa, minh mục. Trị các bệnh về mắt, thần kinh mặt liệt.

Châm cứu: Bảo người bệnh nhắm mắt, châm thẳng sâu 0,5 - 1 thốn - Không vê kim - Không cứu. Tình minh: 

  • Khóe mắt trong lên 0.1 thốn. 
  • Đầu Quang minh: Giữa lông mày lên 0.5 thốn. 
  • Mục minh: Thẳng con ngươi lên đụng vào đường chân tóc trán.
Tình minh

Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Tài liệu tham khảo: Hoàng đế nội kinh (Tố vấn, Linh khu), Atlas of Acupuncture (Bách khoa châm cứu), bài giảng thầy nguyễn duy tân, thực hành châm cứu luận trị, tài liệu trên internet.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét