Theo y học cổ truyền Kinh Túc Thiếu Âm Thận là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với Kinh Túc Thái Dương Bàng Quang. Nó là một đường kinh âm (ly tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Vượng giờ Dậu (19 - 21g), Hư giờ Tuất (17 - 19g), Suy giờ Mão (5 - 7g). Nhiều khí, ít Huyết. Ấn đau huyệt Kinh (Mộ huyệt), Thận du (Bối du huyệt).
Tên tiếng việt: Kinh Túc Thiếu Âm Thận
Tên tiếng anh: The Kidney Meridian Foot
Tên tiếng Trung: 足少阴肾经 足少陰腎經
Lộ Trình Của Kinh Thận
Khởi đầu từ ngón chân út, chạy vào lòng bàn chân, xuất ra nơi chỗ lõm dưới mấu xương thuyền, theo phía sau mắt cá trong đến gót chân. Từ đó chạy lên phía bờ trong cẳng chân, ra mép trong nhượng chân, lên bờ sau trong đùi, thông qua cột sống vào liên hệ với Thận và Bàng quang.
Một nhánh khác từ Thận chạy đến Can qua cơ hoành nhập vào giữa Phế rồi đi dọc theo cuống họng đến tận cuốn lưỡi.
Một nhánh tán ra giữa ngực, nhập vào tâm liên hệ với Tâm bào lạc.
Nhánh chính từ Thận nói lên ở bờ trên xương mu, đi thẳng lên bụng, cách đường giữa thân 0,5 thốn, kết ở gian sườn.
Lạc ngang - Lạc dọc
Lạc dọc: Khởi từ huyệt Đại chung, theo đường kinh chính Thận lên tới ngực, đi thấm sâu vào trung tâm của tâm bào lạc, phân nhánh vòng ra sau ngực để kết nối ở đốt sống lưng thứ 5 (tại huyệt Thần đạo - Đc 11).
Lạc ngang: Khởi từ phía ngón chan út, qua lòng bàn chân (Dũng tuyền - Th 1), lên phía dưới xương thuyền, đến bờ trong gót chân, theo kinh Cân Tỳ chạy dọc theo mặt trong chân lên đến mấu trong xương mác, lên phía trong đùi, tụ lại ở bộ phận sinh dục.
Tù huyệt Trung cực, kinh Cân Thận đi sâu vào vùng mông và lên trên đi song song với khối cơ dọc theo cột sống lưng đến cổ gáy để hợp với Kinh bàng quang tại góc xương chũm, nơi huyệt Thiên trụ.
Các chức năng chính của Thận trong đông y
- Chủ về hạ tiêu
- Chủ sinh trưởng, Suy thoái và phát triển
- Nạp khí
- Cân bằng năng lượng
- Chủ thủy
- Tàng tinh
- Sinh tủy thông lên não, chủ xương.
- Khai khiếu ở tai, Vinh nhuận ra tóc.
- Mệnh môn hỏa.
Các Huyệt Chính Của Kinh Thận (Chẩn đoán + Điều trị).
Huyệt chẩn đoán
- Trung cực: Dưới rốn đo xuống 4 thốn hoặc trên xương mu 1 thốn.
- Thận du: Dưới đốt sống thắt Lưng L2, Đo ngang ra 2 bên mỗi bên 1,5 Thốn.
Huyệt điều trị
Dũng Tuyền 湧 泉
Đặc tính:
- Huyệt Tỉnh, thuộc hành Mộc.
- Huyệt Tả của kinh Thận.
- 1 trong nhóm ‘Hồi dương cửu châm’ (Á môn + Dũng tuyền + Hoàn khiêu + Hợp cốc + Tam âm giao + Thái khê + Trung quản + Túc tam lý), có tác dụng nâng cao và phục hồi chính khí.
- Một trong ‘Tam tài huyệt’: (Bá hội (Thiên), Chiên trung (Nhân), Dũng tuyền (Địa).
Vị trí: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.
Tác dụng: Giáng âm hỏa, thanh Thận nhiệt, định thần chí. Trị gan bàn chân đau hoặc nóng lạnh, kích ngất, động kinh, mất ngủ, đỉnh đầu đau, họng đau, nôn mửa, hysteria.
Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5 - 1 thốn. Cứu 1 - 3 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Nhiên cốc 然 谷
Đặc tính: Huyệt Vinh, thuộc hành Hỏa.
Vị trí: Ở chỗ lõm sát giữa bờ dưới xương thuyền, trên đường nối da gan chân và mu chân.
Tác dụng:
- Thanh Thận nhiệt, lý hạ tiêu.
- Trị khớp bàn chân đau, bàng quang viêm, tiểu đường, họng đau, kinh nguyệt rối loạn.
Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,8 - 1,2 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - ôn cứu 5 - 10 phút.
Thái khê 太 溪
Đặc tính:
- Huyệt Du, huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ.
- Một trong 14 yếu huyệt của ‘Châm cứu chân tủy’ để nâng cao chính khí.
- Là 1 trong số các mạch quyết định sự sống chết: khi mạch Thái khê còn đập, dù các mạch khác đã mất, vẫn còn hy vọng cứu sống.
Vị trí: Tại trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.
Tác dụng:
- Tư Thận âm, tráng dương, thanh nhiệt, kiện gân cốt.
- Trị răng đau, họng đau, chi dưới liệt, kinh nguyệt rối loạn, viêm bàng quang, viêm thận, tiểu dầm, di tinh.
Châm cứu:
- Châm thẳng 0,5 - 1 thốn hoặc có thể thấu tới Côn lôn.
- Khi trị bệnh ở gót chân thì hướng mũi kim xuống.
- Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Đại chung 大鐘
Đặc tính: Huyệt Lạc.
Vị trí: Ở chỗ lõm tạo nên do gân gót bám vào bờ trên trong xương gót, dưới huyệt Thái khê 0,5 thốn.
Tác dụng:
- Điều Thận, hòa huyết, bổ ích tinh thần.
- Trị gân gót chân đau, lưng đau, tiểu khó, suyễn, táo bón, thần kinh suy nhược, hysteria.
Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.
Thủy tuyền 水泉
Đặc tính: Huyệt Khích của kinh Thận.
Vị trí: Thẳng dưới huyệt Thái khê 1 thốn, trên xương gót chân, bờ sau gân gấp dài ngón chân cái.
Tác dụng: Sơ tiết hạ tiêu, thông điều kinh huyết. Trị kinh nguyệt rối loạn, tử cung sa, tiểu khó, cận thị, gót chân đau, thống kinh.
Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Chiếu hải 照海
Đặc tính: Huyệt mở của Âm kiều mạch, nơi mạch Âm kiều phát sinh, 1 trong Bát hội (Giao hội) huyệt của túc Thiếu âm với mạch Âm kiều.
Vị trí: Ở chỗ lõm ngay dưới mắt cá trong cách 01 thốn, khe giữa gân cơ cẳng chân sau và cơ gấp các ngón chân.
Tác dụng: Thông kinh, hòa Vị, thanh nhiệt, định thần. Trị kinh nguyệt rối loạn, tử cung sa, thần kinh suy nhược, động kinh, họng viêm.
Châm cứu: Châm thẳng 0,5 - 1 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Phục lưu 复 溜
Đặc tính: Huyệt Kinh (thuộc ngũ du huyệt), thuộc hành Kim, huyệt Bổ.
Vị trí: Giữa mắt cá chân trong và gân gót (huyệt Thái khê đo thẳng lên 2 thốn, trong khe của mặt trước gân gót chân và cơ gấp dài riêng ngón cái.
Tác dụng: Thanh thấp nhiệt, lợi bàng quang, tư Thận, nhuận táo, điều Thận khí, khứ thấp, tiêu trệ. Trị lưng đau, chi dưới liệt, tiêu chảy, mồ hôi trộm, viêm thận, tinh hoàn viêm.
Châm cứu: Châm thẳng hoặc xiên, sâu 0,8 - 1,2 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.
Trúc tân 筑 濱
Đặc tính:
- Huyệt Khích của Âm duy mạch.
- Một trong 14 yếu huyệt của ‘Châm cứu chân tủy’ (Nhật Bản) chủ về giải độc toàn thân.
Vị trí: Trên huyệt Thái khê 5 thốn, sau bờ trong xương chày 2 thốn, khe giữa gân gót chân và cơ dép.
Tác dụng:
- Thanh Tâm, hoá đờm, trấn kinh, an thần.
- Trị cơ bắp chân co rút, thắt lưng đau, động kinh, tâm thần phân liệt, viêm thận, tiểu bí.
- "Cứu huyệt Trúc tân có thể giải độc cà phê, các thứ độc trong cơ thể" (Châm cứu chân tuỷ).
Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Âm cốc 陰谷
Đặc tính: Huyệt Hợp, thuộc hành Thủy.
Vị trí: Ngồi thõng chân hoặc hơi co gối để nổi gân lên, huyệt ở đầu trong nếp gấp nhượng chân, sau lồi cầu trong xương chầy, trong khe của gân cơ bán gân (gân chắc, nhỏ) và gân cơ bán mạc (gân mềm, lớn hơn, nằm ở trên).
Tác dụng:
- Trừ thấp, thông tiểu, tư Thận, thanh nhiệt, sơ tiết quyết khí, lợi hạ tiêu.
- Trị khớp gối viêm, mặt trong khớp gối sưng đau, vùng bụng dưới đau, tiểu gắt, tiểu buốt, băng lậu, liệt dương, thoát vị.
Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.
Thực hiện bài viết: hovietcan.com
Tài liệu tham khảo: Hoàng đế nội kinh (Tố vấn, Linh khu)Atlas of Acupuncture (Bách khoa châm cứu), Châm cứu học - WHO, bài giảng thầy nguyễn duy tân, thực hành châm cứu luận trị, tài liệu trên internet.
0 Nhận xét