Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Quyết Âm Tâm Bào là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với Kinh Thủ Thiếu Dương Tam Tiêu. Nó là một đường kinh âm (ly tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 7 giờ tối đến 9 giờ tối. Vượng giờ Tuất (19 - 21g), Hư giờ Hợi (21 - 23g), Suy giờ Thìn (7 - 9g). Nhiều huyết, ít Khí. Ấn đau huyệt Đản trung (mộ huyệt), Quyết Âm Du (Bối du huyệt).
Lộ Trình Của Kinh Tâm Bào
Khởi đầu từ trong ngực ở huyệt chiên trung, đi xuống cơ hoành và phân nhánh đến Tam tiêu. Một nhánh từ ngực chạy ra sườn ngang dưới hố nách 3 thốn, lên hố nách, dọc theo phía trong cánh tay, đi giữa 2 kinh thu thái Âm (phế) và kinh thủ thiếu âm (Tâm), vào trong khuỷu tay, chạy giữa 2 khe gân cẳng tay vào giữa lòng bàn tay, đi dọc theo ngón tay giữa thẳng đến đầu ngón tay.
Một nhánh từ trong bàn tay ở huyệt lao cung, đi theo ngón tay áp út để giao với kinh thủ thiếu dương Tam tiêu.
Lạc ngang - Lạc dọc
Lạc dọc: Khởi đầu từ huyệt lạc nội quan, theo kinh chính Tâm bào lên đến ngực ở huyệt Chiên trung, đi thấm vào trong tâm bào lạc và gặp kinh Tam tiêu.
Lạc ngang: Khởi từ huyệt lạc nội quan, theo bờ trong cẳng tay đến gặp kinh tam tiêu ở huyệt nguyên dương trì.
Các Huyệt Chính Của Kinh Tâm Bào (Chẩn đoán + Điều trị).
Huyệt chẩn đoán
- Đản trung:
- Nam giới, là giao điểm của đường giữa xương ức với đường nối hai núm vú.
- Phụ nữ, là đường ngang qua bờ trên hai khớp xương ức thứ 5.
- Quyết âm du: phía dưới đốt xương sống thứ 4, đo ngang ra 2 phía 1.5 thốn.
Huyệt điều trị
Trung xung 中沖
Đặc tính:
- Huyệt Tỉnh, thuộc hành Mộc.
- Huyệt Bổ của kinh Tâm Bào.
- Huyệt đặc biệt để trị rối loạn ở kinh Biệt của Tam tiêu và Tâm bào.
Vị trí: Tại điểm giữa của đầu ngón tay giữa.
Tác dụng: Khai khiếu, thanh Tâm, thoái nhiệt. Trị hôn mê, kích ngất, sốt cao, tim đau quặn.
Châm cứu: Châm thẳng 0,1 - 0,2 thốn hoặc châm xuất huyết - Cứu 1 - 3 tráng - Ôn cứu 3 - 5 phút.
Lao cung 勞宮
Đặc tính:
- Huyệt Vinh, thuộc hành Hỏa.
- Một trong ‘Thập tam qủy huyệt’ (Quỷ quật).
Vị trí: Huyệt ở trên đường văn tim của gan bàn tay, nơi khe của ngón giữa và ngón vô danh ( ngón 4) chạm vào đường văn này hoặc gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào đường nếp gấp giữa lòng bàn tay ( đường tâm đạo) ở đâu thì đó là huyệt.
Tác dụng: Thanh Tâm hỏa, an thần, trừ thấp nhiệt. Trị mồ hôi tay, eczema ở vùng bàn tay, vùng tim đau, động kinh, nấc, xoang miệng viêm.
Châm cứu: Châm thẳng từ lòng bàn tay hướng về phía lưng bàn tay đối diện 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 1 - 3 tráng, ôn cứu 5 - 10 phút.
Đại lăng 大陵
Đặc tính:
- Huyệt Du, huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ, huyệt Tả.
- Một trong ‘Thập tam quỷ huyệt’ (Quỷ tâm).
Vị trí: Ở ngay trên lằn nếp cổ tay, khe giữa gân cơ gan tay lớn và bé, hoặc gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào lằn chỉ (văn) tay ở đâu, đó là huyệt.
Tác dụng: Thanh Tâm, định thần, lương huyết. Trị cổ tay đau, khớp cổ tay viêm, hồi hộp, động kinh, mất ngủ.
Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn. Trị khớp xương cổ tay thì châm xiên. Cứu 1 - 3 tráng - Ôn cứu 3 - 5 phút.
Nội quan 內關
Đặc tính:
- Huyệt Lạc.
- Huyệt giao hội với Âm duy Mạch.
- Một trong Lục tổng huyệt trị vùng ngực.
Vị trí: Trên cổ tay 2 thốn, dưới huyệt Gian sử 1 thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.
Tác dụng:
- Định Tâm, an thần, lý khí, trấn thống, thanh Tâm bào.
- Trị hồi hộp, vùng trước tim đau, vùng ngực và hông sườn đau, dạ dày đau, nôn, nấc, mất ngủ, động kinh, hysteria.
Châm cứu:
- Châm thẳng, sâu 0,5 - 0,8 thốn - Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5-10 phút.
- Trị thần kinh suy nhược, mất ngủ, có thể châm xiên qua Ngoại quan.
Giản xử 間使
Đặc tính: Huyệt Kinh, thuộc hành Kim.
Vị trí: Trên lằn chỉ cổ tay 3 thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.
Tác dụng:
- Định thần, hòa Vị, khử đờm, điều Tâm khí.
- Trị hồi hộp, vùng trước tim đau, sốt rét, động kinh, tâm thần phân liệt.
Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5 - 1 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Khích môn 郤門
Đặc tính: Huyệt Khích.
Vị trí: Trên khớp cổ tay 5 thốn, giữa 2 khe cơ gan tay lớn và bé.
Tác dụng:
- Định tâm, an thần, lương huyết.
- Trị viêm cơ tim, vùng trước tim đau, viêm màng ngực, viêm tuyến vú, thần kinh suy nhược.
Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,8 - 1,2 thốn. Cứu 3-5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
Khúc trạch 曲澤
Đặc tính: Huyệt Hợp, thuộc hành Thủy.
Vị trí: Trên nếp gấp khớp khủy tay, chỗ lõm phía trong khủy tay, bờ trong gân cơ 2 đầu cánh tay.
Tác dụng:
- Thông Tâm khí, sơ giáng nghịch khí ở thượng tiêu, thư cân.
- Trị sốt, hồi hộp, dạ dày đau, thấp tim.
Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,5 - 0,8 thốn. Cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.
0 Nhận xét