Các Huyệt Chính Của Kinh Đại Trường (Chẩn đoán + Điều trị)

Theo y học cổ truyền Kinh Thủ Dương Minh Đại Trường là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với kinh thủ thái âm phế. Nó là một đường kinh dương (hướng tâm). Vượng giờ Mão (5 - 7) giờ, hư giờ Thìn ( 7 - 9) giờ, suy giờ Dậu (17 - 19) giờ. Nhiều khí, nhiều huyết. Ấn đau huyệt Thiên xu và Đại trường.

Tên tiếng việt: Thủ Dương Minh Đại Trường Kinh 

Tên tiếng anh: The Large Intestine (Colon) Meridian/ Large Intestine Meridian of Hand

Tên tiếng Trung: 手阳明大肠经 手陽明大腸經 

Các Huyệt chinh Của Kinh Đại Trường
Minh Họa Kinh Đại Trường

Các Chức Năng Chính Của Kinh Đại Trường:

- Chủ về khí (không khí, hơi, năng lực).

- Chủ về hô hấp, thanh âm, khai khiếu ở mũi.

- Chủ về sự lắng diệu, điều thông thủy đạo

- Chủ về giải uất kiết, không thông.

- Chủ về hấp thu, tiêu hóa, dinh dưỡng.

- Chủ bì mao.

- Quan hệ đến tâm lý buồn rầu khóc lóc.

Các Huyệt chinh Của Kinh Đại Trường (Chẩn đoán + Điều trị)

Lộ Trình của Kinh Đại trường

Khởi đầu từ bờ ngoài móng ngón trỏ đi dọc mép trên của ngón tay, qua hố lào, đến nếp gấp bờ ngoài khủy tay, chạy dọc theo mép trước ngoài cánh tay đến đầu trên cánh tay, chỗ lõm khớp vai, ra bờ sau vai, giao với kinh thủ thái dương Tiểu trường ở huyệt Bỉnh phong SI12, hội với Mạch đốc ở huyệt Đại chùy DU14, bắt chéo qua cổ và đi vào hố thượng đòn tại huyệt Khuyết bồn ST12, từ đây phân ra 2 nhánh: 

Nhánh 1: lặn vào Phế, qua cơ hoành để vào Đại trường.

Nhánh 2: từ hố xương đòn lên cổ, hàm, đi vào giữa hàm răng dưới, vòng quanh mép miệng, giao nhau ở nhân trung đến cánh mũi phía bên đối diện.

Lộ Trình của Kinh Đại trường

Lạc ngang - Lạc dọc

Lạc dọc: Từ huyệt lạc Thiên lịch chạy đến mỏm vai, lên cổ, vào hàm dưới, phân một nhánh vào răng, tai và một nhánh vào Phế.

Lạc ngang: Từ huyệt Thiên lịch chạy theo bờ ngoài cẳng tay vào huyệt nguyên của Phế là Thái uyên.

Biện Chứng Đại Trường Bệnh

- Hàn chứng: Bụng đau, ruột sôi, đại tiện lỏng, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch Khẩn.

+ Điều trị: Tán hàn chỉ tả.

+ Chọn huyệt Mộ của Đại trường, hạ hợp huyệt là chính. Châm tả, cứu nhiều.

- Nhiệt chứng: Bụng trướng đau, táo bón, kiết lỵ mót rặn, phân đờm máu, viêm ruột, rêu lưỡi vàng khô, mạch Sác thực.

+ Điều trị: Thanh nhiệt tả kết.

+ Dùng huyệt của kinh túc Dương minh và Mộ huyệt của Đại trường, hạ hợp huyệt là chính. Châm tả hoặc dùng kim tam lăng châm ra máu.

- Hư chứng: Tiêu chảy lâu ngày, thoát giang, mệt mỏi, tay chân lạnh, sắc mặt không tươi, lưỡi nhạt, rêu

lưỡi mỏng, mạch Tế Nhược.

+ Điều trị: Sáp trường cố thoát.

Chọn huyệt ở mạch Nhâm, Đốc, túc Dương minh, túc Thái âm. Châm bổ, cứu nhiều.

- Thực chứng: Bụng đau, không thích xoa bóp, táo bón, rêu lưỡi dày, nhờn, mạch thực có lực.

Điều trị: Hành khí thông phủ.

Chọn huyệt ở kinh túc Dương minh, mạch Nhâm và hạ hợp huyệt của Đại trường. Châm tả, không cứu.

Một Số Huyệt Cần Nhớ Của Kinh Đại Trường (Chẩn đoán + Điều trị)

Huyệt Chẩn Đoán

1. Thiên xu

Vị trí: từ rốn đo ngang ra 2 bên mỗi bên 2 thốn.

2. Đại trường du

Vị trí: bờ dưới gai đốt sống L4 đo ngang 2 bên mỗi bên 1,5 thốn.

Huyệt Điều Trị

Thương dương  (LI1 / Shangyang)

Đặc tính: Tỉnh huyệt của kinh Đại trường, thuộc hành Kim (hấp thu huyệt). 

Vị trí: Huyệt ở góc ngoài chân móng ngón tay trỏ, cách góc móng 0,1 thốn.

Tác dụng: Giải biểu, thoái nhiệt, sơ tiết tà nhiệt ở Dương minh kinh. Trị ngón tay trỏ đau, ngón tay trỏ tê, răng đau, hàm đau, họng đau, thần kinh mặt đau do rối loạn ở kinh cân, tai ù, điếc, sốt cao mê sảng, mắt đau nhức.

Châm cứu: Châm xiên hoặc thẳng, sâu 0,1 - 0,2 thốn. Cứu 1 - 3 tráng. Ôn cứu 5 - 10 phút.

Các Huyệt chinh Của Kinh Đại Trường

Nhị gian (LI2 / Erjian)

Đặc tính: Vinh huyệt (Huỳnh huyệt), thuộc hành Thủy. Huyệt Tả của kinh Đại trường (tàng trữ huyệt).

Vị trí: Huyệt ở chỗ lõm, phía trước và bờ ngoài khớp xương bàn và ngón trỏ, trên đường tiếp giáp da gan tay, mu tay.

Tác dụng: Tán tà nhiệt, lợi yết hầu. Trị ngón tay trỏ đau, bàn tay đau, răng đau, họng đau, vai đau, lưng đau, liệt mặt, sốt.

Châm cứu: Châm thẳng 0,1 - 0,3 thốn. Cứu 1 - 3 tráng. Ôn cứu 5 - 10 phút.

Nhị gian
Huyệt Nhị gian

Tam gian (LI3 / Sanjian)

Đặc tính: Du huyệt, thuộc hành Mộc (phát động huyệt).

Vị trí: Trên đầu xương bàn tay thứ 2, ngang chỗ tiếp nối của thân và đầu dưới xương bàn tay thứ 2.

Tác dụng: Tiết tà nhiệt, điều Phủ khí. Trị ngón tay trỏ viêm, lưng bàn tay đau, mắt đau, răng hàm dưới đau, họng đau, thần kinh sinh ba đau.

Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn. Cứu 3 - 5 tráng. Ôn cứu 5 - 10 phút.

Tam gian

Hợp cốc (LI4 / Hegu)

Đặc tính: Huyệt Nguyên. Một trong Lục tổng huyệt chủ trị bệnh lý vùng mặt, miệng.

Vị trí: Yêu cầu bệnh nhân khép ngón cái vào ngón trỏ, xác định huyệt Hợp cốc tại điểm cao nhất của bụng cơ, gần mức đầu cùng của nếp lằn.

Hoặc đặt nếp lằn của khớp gian đốt ngón cái tay này vào kẽ giữa ngón tay cái và tay trỏ của tay kia. Huyệt nằm ở chỗ đầu ngón tay cái chạm đến.

Tác dụng: Trấn thống, thanh tiết Phế khí, thông giáng trường vị, phát biểu, giải nhiệt, khu phong. 

Trị ngón tay đau, ngón tay tê, liệt bàn tay, liệt cánh tay, đầu đau, răng đau, liệt mặt, viêm amiđan, viêm khớp hàm dưới, mắt đau, cảm cúm, sốt, bướu giáp đơn thuần, làm co bóp tử cung.

Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5-1 thốn. 

Chú ý: Không châm cho phụ nữ có thai.

Hợp cốc

Dương khê (LI5 / Yangxi) 

Đặc tính: Huyệt Kinh thuộc Hỏa (Phát nhiệt huyệt).

Vị trí: Trên bờ quay (bờ ngoài) cổ tay. Khi ngón tay cái vểnh (nghiêng) lên, huyệt nằm trong chỗ lõm giữa gân cơ duỗi ngón cái dài và gân cơ duỗi ngón cái ngắn.

Tác dụng: Khu phong tiết hỏa, sơ tán nhiệt ở kinh Dương minh. Trị cổ tay, bàn tay đau, viêm bàn tay, đầu đau, răng đau, mắt đau, tai ù, điếc, trẻ nhỏ tiêu hóa kém, sốt.

Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,3 - 0,5 thốn, Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.

Dương khê

Thủ tam lý (LI10 / Shousanli)

Vị trí: Trên đường nối từ huyệt Dương khê (LI5) đến huyệt Khúc trì (LI11), dưới nếp gấp khuỷu 2 thốn.

Thủ tam lý

Khúc trì/ LI11 / Quchi 

Đặc tính: Huyệt Hợp, thuộc Thổ (Tiết xuất huyệt). Huyệt “Bổ” của kinh Đại trường. Một trong “Thập tam quỷ huyệt”.

Vị trí: Khi gấp khuỷu, huyệt nằm trong chỗ lõm ở đầu ngoài cùng nếp gấp khuỷu, giữa đường nối huyệt Xích trạch (LU5) và lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Khúc trì

Kiên ngung (LI15/ Jianyu)

Đặc tính: Huyệt Hội của kinh Đại trường với Mạch Dương Kiểu.

Vị trí: Phía trước-dưới mỏm cùng vai, phần trên của cơ delta. Khi dạng cánh tay hết mức, huyệt nằm trong chỗ lõm xuất hiện ở bờ trước của khớp cùng vai đòn.

Kiên ngung

Nghinh hương/ LI20 / Yingxiang

Đặc tính: Huyệt Hội của kinh thủ Dương minh Đại trường và kinh túc Dương minh Vị.

Vị trí: Trên mặt, trong rãnh mũi-môi, ngang điểm giữa bờ ngoài cánh mũi.

Tác dụng: Thông tỵ khiếu, thanh khí hỏa, tán phong nhiệt. Trị các bệnh về mũi, mặt ngứa, mặt phù, liệt mặt (liệt dây thần kinh VII), giun chui ống mật.

Châm cứu: Châm xiên hoặc luồn dưới da 0,3 - 0,5 thốn hoặc châm chếch lên trên vào trong, sâu 1 thốn.

Nghinh hương


Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Tài liệu tham khảo: Hoàng đế nội kinh (Tố vấn, Linh khu), Atlas of Acupuncture (Bách khoa châm cứu), bài giảng thầy nguyễn duy tân, thực hành châm cứu luận trị, tài liệu trên internet.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét