Các Huyệt Chính Của Kinh Vị (Chẩn đoán + Điều trị)

Theo y học cổ truyền Kinh Túc Dương Minh Vị là 1 trong 12 đường kinh mạch chính tuần hành của cơ thể, có quan hệ biểu lý tương ứng với kinh túc thái âm tỳ. Nó là một đường kinh dương (ly tâm). Giờ tuần hoàn của kinh này là 7 giờ sáng - 9 giờ sáng. Thuộc dương minh. Vượng giờ Thìn (7 - 9g), Hư giờ Tỵ (9 - 11g), Suy giờ Tức (19 - 21g). Khí Nhiều, Nhiều Huyết. Ấn đau huyệt Trung quản (mộ) và Vị du (Bối du huyệt).

Tên tiếng việt: Kinh Túc Dương Minh Vị

Tên tiếng anh: The Stomach Meridian/ Chanel

Tên tiếng Trung: 足阳明胃经 足陽明胃經

Minh Họa Các Huyệt Chính Của Kinh Vị

Các Chức Năng Chính Của Kinh Vị

- Chủ vận hóa bao gồm: 

+ Tiêu hóa thực phẩm (ống tiêu hóa), khái khiếu ở môi miệng.

+ Chuyển hóa thành tinh huyết (Gan).

+ Tinh chế thành nguyên liệu (cơ nhục) và năng lượng (tế bào).

- Chủ về huyết bao gồm:

+ Sinh huyết.

+ Vận hành huyết.

+ Cầm huyết.

- Chủ về xuất tiết các tuyến.

- Quan hệ đến ý nghĩ, tập trung tư tưởng.

Lộ Trình Của Kinh Vị

Khởi lên từ góc móng ngón chân cái, theo bờ trong ngón cái và lằn da gan chân - mu chân, qua chỗ lõm trước mắt cá trong, lên mặt trong cạnh xương chầy, giao chéo qua trước kinh túc Quyết âm Can, đến mặt trong đầu gối và đùi trong, nhập vào bụng để đến tạng Tỳ liên lạc với Vị rồi lên trên xuyên qua cơ Hoành, đi dọc 2 bên thanh quản, nối với cuốn lưỡi, tản ra dưới lưỡi. Một nhánh tách biệt từ Vị, qua cơ hoành vào tâm.

Minh họa lộ trình kinh vị

Lạc ngang - Lạc dọc

Lạc dọc: từ huyệt lạc công tôn (Tỳ 4), theo kinh chính lên bụng, vào Vị và Đại trường.

Lạc ngang: từ huyệt lạc công tôn, chạy ngang đầu xương chầy đến huyệt Nguyên của kinh vị là xung dương (Vị 42).

Biện Chứng Vị Bệnh

Vị hàn: 

- Dạ dày đau, nôn ra nước trong, thích ấm, thích xoa bóp, tay chân lạnh, nôn mửa, nấc, rêu lưỡi trắng, trơn, mạch Trì.

Điều trị: 

- Ôn Vị tán hàn.

- Chọn huyệt kinh túc Dương minh, và Du huyệt, Mộ huyệt của Vị là chính. Châm tả, cứu nhiều.

Vị Nhiệt: 

- Dạ dày đau rát, nôn ra nước chua, trong người bứt rứt, mau đói, khát, thích uống nước lạnh, miệng hôi, chân răng sưng đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Hoạt Sác.

Điều trị: 

- Thanh tả Vị nhiệt.

- Chọn huyệt kinh túc Dương minh, thủ Dương minh và Mộ huyệt của Vị là chính. Châm tả hoặc dùng kim tam lăng châm ra máu. Không cứu.

Vị thực: 

- Dạ dày đau, không thích xoa bóp, nuốt chua, ợ hôi, ăn kém, nôn mửa, đại tiện khó, rêu lưỡi vàng nhạt, nhờn, mạch Hoạt Thực.

Điều trị: 

- Thông phủ tả thực.

- Chọn huyệt kinh túc Dương minh, thủ Dương minh và Mộ huyệt của Vị là chính. Châm tả.

Vị âm hư: 

- Dạ dày đau, đói mà không muốn ăn, miệng táo họng khô, ăn ít, thức ăn không tiêu, nôn khan, nấc, táo bón, lưỡi đỏ, ít rêu, nặng thì lưỡi có vết nứt, mạch Tế Sác không lực.

Điều trị: 

- Dưỡng âm hòa Vị.

- Chọn huyệt kinh túc Dương minh, túc Thái âm và Du huyệt của Vị là chính. Châm tả, không cứu.

Các Huyệt Chính Của Kinh Vị (Chẩn đoán + Điều trị)

Huyệt chẩn đoán

- Trung quản: 

+ Đặc tính: Huyệt mộ chẩn đoán của kinh Vị. Huyệt hội phủ (của các kinh dương). Huyệt chung của 5 cơ năng của các kinh dương.

+ Vị trí: ở giữa khoảng cách rốn và xương mỏ ác, từ rốn đo thẳng lên 4 thốn.

- Vị du: 

+ Đặc tính: huyệt bối du chẩn đoán của kinh vị.

+ Vị trí: ở trên đường lưng trong, từ giữa đốt sống lưng D12 - L1 đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.

Vị du - vị thương

- Vị thương

+ Đặc tính: huyệt bối du chẩn đoán của kinh vị.

+ Vị trí: ở trên đường lưng trong, từ giữa đốt sống lưng D12 - L1 đo ra 2 bên, mỗi bên 3 thốn.

- Khí xung/ ST30 / Qichong / 气冲

+ Vị trí: ở trên đường bụng ngoài, ngay bờ trên xương mu. Ở dưới huyệt Quy lai 1 tấc. Từ giữa bụng đi ra 2 tấc. Ngoài huyệt khúc cốt 2 tấc.

Khí xung/ ST30

Huyệt điều trị

Lệ đoài / ST45 / Lidui / 厉兑

Đặc tính: Huyệt Tỉnh, thuộc hành kim. Huyệt Tả của kinh Vị.

Vị trí: Ở phía ngoài góc ngoài móng chân ngón thứ 2, cách chân móng 0,1 thốn, trên đường tiếp giáp da gan chân -mu chân.

Tác dụng: Sơ tiết tà nhiệt ở kinh Dương minh, thông kinh lạc, hòa Vị, thanh thần chí. Trị mất ngủ, răng đau, chảy máu cam, sốt cao, bàn chân lạnh.

Châm cứu: Châm thẳng hoặc xiên 0,1 - 0,2 thốn. Cứu 1 - 3 tráng, Ôn cứu 3 - 5 phút.

Lệ đoài / ST45

Nội đình / ST44 / Neiting / 内庭

Đặc tính: Huyệt Vinh, thuộc hành Thủy.

Vị trí: Nơi nối thân với đầu sau xương đốt 1 của ngón chân thứ 2, giữa kẽ ngón chân thứ 2 và thứ 3.

Tác dụng: 

- Thông giáng Vị khí, thanh Vị, tiết nhiệt, lý khí, trấn thống, hòa trường, hóa trệ. 

- Trị dạ dày đau, đầu đau, răng đau, viêm ruột, amiđan viêm.

Châm cứu: Châm thẳng hoặc xiên 0,3 - 0,5 thốn, cứu 3 - 5 tráng.ôn cứu 5 - 10 phút.

Nội đình

Hãm cốc / ST43 / Xiangu / 陷谷

Đặc tính: Huyệt Du, thuộc hành mộc.

Vị trí: Ở chỗ lõm nối thân và đầu trước xương bàn chân 2, giữa kẽ ngón chân 2 -3, trên huyệt Nội đình 2 thốn.

Tác dụng: 

- Kiện Tỳ, lợi thấp, hòa Vị, giáng nghịch. 

- Trị mặt phù, toàn thân phù thũng, sôi ruột, bụng đau, họng viêm, mu bàn chân sưng đau.

Châm cứu: Châm thẳng 0,5 - 1 thốn. Cứu 3 - 7 tráng, Ôn cứu 5 -15 phút.

Hãm cốc

Xung dương/ ST42 / Chongyang / 冲阳

Đặc tính: Huyệt Nguyên, nơi chẩn đoán tình trạng của Vị khí: Bệnh nặng mà sờ vào Xung dương còn thấy mạch đập chứng tỏ Vị khí còn, có khả năng chữa trị được.

Vị trí: Nơi cao nhất của mu bàn chân, có động mạch đập, trên huyệt Nội đình 5 thốn, nằm giữa huyệt Nội đình và Giải khê, bờ trong gân cơ duỗi ngón thứ 2 và cơ duỗi ngắn ngón cái.

Tác dụng: Hóa thấp, hòa Vị, định thần chí. Trị mu bàn chân đau, liệt chi dưới, răng đau, lợi răng viêm, bệnh tâm thần.

Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,3 -0,5 thốn, Ôn cứu 3 -5 phút. 

Ghi chú: Tránh mạch máu.

Xung dương/ ST42

Giải khê/ ST41 / Jiexi / 解溪

Đặc tính: Huyệt Kinh, thuộc hành Hỏa, huyệt Bổ. 

Vị trí: Ở chỗ lõm trên nếp gấp trước khớp cổ chân, giữa 2 gân cơ cẳng chân trước và gân cơ duỗi dài ngón chân cái.

Tác dụng: Hóa thấp trệ, thanh Vị nhiệt, trợ Tỳ khí, định thần chí. Trị tổ chức mềm quanh khớp cổ chân bị viêm, cơ cẳng chân teo, thiếu máu não, viêm thận.

Châm cứu: Châm thẳng, sâu 0,5 - 1 thốn, Ôn cứu 3 - 5 phút.

Giải khê

Phong long/ ST40 / Fenglong / 丰隆

Đặc tính: Huyệt Lạc.

Vị trí: Đỉnh mắt cá chân ngoài lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài.

Tác dụng: 

- Hòa Vị khí, hóa đờm thấp.

- Trị ho đờm, chóng mặt, suyễn, khó thở, ngực trướng,chi dưới tê liệt, cước khí, đầu đau.

Châm cứu:

- Châm thẳng, mũi kim hướng về phía trong, sâu 1 - 1,5 thốn.

- Cứu 5 - 7 tráng - Ôn cứu 5 - 15 phút. 

Phong long/ ST40

Điều khẩu/ ST38 / Tiaokou / 条口

Vị trí: Ở giữa đoạn nối huyệt Độc tỵ và Giải khê, cách dưới mắt gối ngoài 8 thốn, ngay dưới Thượng cự hư 2 thốn.

Tác dụng: Lý trường, hòa Vị, thanh thấp nhiệt,tiêu trệ, điều khí. Trị chân đau và liệt, khớp gối viêm, dạ dầy viêm, ruột viêm.

Châm cúu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn - cứu 3 - 5 tráng - Ôn cứu 5 - 10 phút.

Điều khẩu/ ST38

Theo Weigel (Đức) báo cáo trong Hội nghị Châm Cứu Quốc Tế lần thứ VII (1981): châm Điều Khẩu trị quanh khớp vai đau.

Túc tam lý/ ST36 / Zusanli / 足三里

Đặc tính:

- Huyệt thứ 36 của kinh Vị.

- 1 trong Lục tổng huyệt trị vùng bụng.

- Huyệt Hợp, thuộc hành Thổ. 

Vị trí: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân ( xương chầy), từ đó hơi xịch ra phía ngoài 1 ít là huyệt.

Tác dụng: Lý Tỳ Vị, điều trung khí, thông kinh lạc - khí huyết, phù chính bồi nguyên, bổ hư nhược, khu phong hóa thấp, điều hòa huyết áp.

Trị dạ dày đau, nôn mửa, tiêu hóa kém, táo bón, ruột viêm, chi dưới yếu liệt, bệnh thuộc hệ tiêu hóa, kích ngất, cơ thể suy nhược, thần kinh suy nhược.

Châm huyệt Túc tam lý trước khi mổ ruột, thấy cơ ruột phục hồi nhanh hơn (Trường đại học quân y IV Trung Quốc).

Châm cứu: Châm thẳng 1 - 1,5 thốn, cứu 5 - 10 tráng hoặc nhiều hơn. Ôn cứu 10 - 30 phút.

Túc tam lý/ ST36 / Zusanli

Chu Quyền, trong sách ‘Càn khôn sinh ý’có nêu lên 4 câu ca tóm tắt đặc hiệu của 4 huyệt:

 “Đỗ phúc Tam lý lưu, 

Đầu hạng tầm Liệt khuyết

Diện khẩu Hợp cốc thâu, 

Yêu bối Ủy trung cầu”

về sau các nhà nghiên cứu bổ sung thêm 2 huyệt: 

‘Tâm hung thủ Nội quan

Tiểu phúc Tam âm mưu’.

(Nghĩa là: Bụng đau dùng huyệt Túc tam lý; Đầu gáy đau dùng huyệt Liệt khuyết; Bệnh ở mặt miệng dùng huyệt Hợp cốc; Tim ngực có bệnh dùng huyệt Nội quan. Bụng dưới đau dùng huyệt Tam âm giao).

Lan vĩ điểm

Vị trí: Thẳng dưới huyệt Túc tam lý (Vi 36) khoảng 1 -2 thốn.

Xuất xứ: Tân Trung y dược.

Đặc tính: Kỳ huyệt.

Chủ trị: Trị ruột dư viêm cấp và mạn tính, tiêu hoá kém, ruột viêm cấp và mạn, chân bị liệt.

Châm cứu: Châm thẳng, hơi hướng về phía xương chầy, sâu 1 - 1,5 thốn hoặc xiên hướng mũi kim xuống dưới sâu 2 - 3 thốn.

Lan vĩ điểm

Lương khâu/ ST34 / Liangqiu / 梁丘

Đặc tính: Huyệt Khích, rất mẫn cảm trong trường hợp dạ dày đau.

Vị trí: Ở chỗ lõm trên bờ trên ngoài xương đầu gối 2 thốn, thẳng trên huyệt Độc tỵ.

Tác dụng: Thông điều Vị khí, khu phong, hóa thấp. Trị khớp gối viêm, tuyến vú viêm, dạ dày đau, dạ dầy co cứng. 

Châm cứu: Châm thẳng sâu 0,5 -1 thốn, Cứu 3 -5 tráng, Ôn cứu 5 -10 phút.

Lương khâu/ ST34

Thiên xu/ ST25 / Tianshu 

Đặc tính: Huyệt Mộ của Đại trường.

Vị trí: Từ rốn đo ngang ra 2 bên mỗi bên 2 thốn.

Tác dụng: Sơ điều đại trường, hóa thấp, lý khí, tiêu trệ. Trị trường vị viêm cấp và mạn tính, liệt cơ bụng, ký sinh trùng đường ruột, ruột thừa viêm, ruột tắc, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón.

Châm cứu: Châm thẳng 0,5 - 1,5 thốn. Cứu 5 - 7 tráng - Ôn cứu 10 -20 phút.

Ghi chú: Có thai nhiều tháng, không châm.

Thiên xu/ ST25

"Châm tả Thiên xu + Trung quản + Túc tam lý có tác dụng giống bài 'Đại thừa khí thang' trong sách 'Thương hàn luận' (Thường dụng du huyệt lâm sàng phát huy).

Cứu bổ Thiên xu + cứu Thần khuyết + bổ Túc tam lý có tác dụng giống bài 'Chân nhân dưỡng tạng thang' của sách 'Vệ sinh bảo giám' (Thường dụng du huyệt lâm sàng phát huy).

Châm tả Thiên xu + Túc tam lý + Âm lăng tuyền có tác dụng giống như bài 'Chỉ thực đạo trệ hoàn' trong sách 'Tỳ vị luận' (Thường dụng du huyệt lâm sàng phát huy).

"Tả Thiên xu + Tam âm giao có tác dụng giống bài 'Bạch đầu ông thang' trong sách 'Thương hàn luận' (Thường dụng du huyệt lâm sàng phát huy).

Lương môn / ST21 / Liangmen / 梁门

Đặc tính: Huyệt trở nên nhậy cảm (đau) đối với người bị bệnh loét tá tràng.

Vị trí: Trên rốn 4 thốn, cách đường giữa bụng 2 thốn, ngang huyệt Trung quản.

Tác dụng: Điều trung khí, hóa tích trệ. Trị dạ dầy viêm cấp và mạn tính, thần kinh dạ dầy đau, nôn mửa, bụng sôi.

Châm cứu: Châm thẳng sâu 1 -1,5 thốn, Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 -10 phút.

Lương môn / ST21

Khố Phòng/ ST14 / Kufang / 库房

Vị trí: Ở gian sườn 1, ngay dưới huyệt Khí hộ, cách đường giữa ngực 4 thốn. 

Tác dụng: Thanh tuyên phế nhiệt, điều lý phế khí. Trị thần kinh liên sườn đau, khí quản viêm, hysteria.

Châm cứu: Châm xiên 0,3 - 0,8 thốn, Cứu 3 - 5 tráng, Ôn cứu 5 - 10 phút.

Ghi chú: Không châm sâu quá vì có thể đụng phổi.

Khố Phòng/ ST14

Giáp xa/ ST6 / Jiache / 颊车

Đặc tính: Một trong ‘Thập tam quỷ huyệt’ (Quỷ sàng) dùng trị bệnh tâm thần.

Vị trí: Cắn chặt răng lại, huyệt ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới 1 khoát ngón tay, đè vào chỗ trũng có cảm giác ê tức.

Tác dụng: Sơ phong, hoạt lạc, lợi răng khớp. Trị răng đau, liệt mặt, cơ nhai co rút, khớp hàm dưới viêm, tuyến mang tai viêm.

Châm cứu: Châm thẳng 0,3 - 0,5 thốn hoặc xiên tới huyệt Địa thương (trị mặt liệt).

Địa thương/ ST4

Địa thương/ ST4 / Dicang / 地仓(阳蹻会)

Đặc tính: Huyệt giao hội với mạch Dương kiều và mạch Nhâm.

Vị trí: Cách khóe miệng 0,4 thốn, hoặc trên đường ngang qua mép và rãnh mép mũi, nơi đan chéo của cơ vòng môi, cơ gò má lớn.

Tác dụng: Khu phong tà, thông khí trệ. Trị liệt mặt, dây thần kinh tam thoa đau, chảy nước dãi.

Châm cứu: Châm xiên. Ôn cứu 5 -10 phút. 

Châm trị mặt liệt: luồn kim tới huyệt Giáp xa. 

Trị thần kinh tam thoa đau: châm mũi kim hướng tới huyệt Nghênh hương. 

Địa thương/ ST4

Đầu duy/ ST8 / Touwei / 头维(足少阳、阳维脉会)

Đặc tính: Huyệt giao hội với kinh túc Thiếu dương Đởm.

Vị trí: Nơi góc trán, cách bờ chân tóc 0,5 thốn, trên đường khớp đỉnh trán, từ huyệt Thần đình đo ra 4 thốn.

Tác dụng: Khu phong, tiết hỏa, trấn thống. Trị nửa đầu đau (migraine), thần kinh trước trán đau, mí mắt rung giật.

Châm cứu: Châm xiên dưới da 0,5 - 1 thốn - Không cứu. 

Đầu duy/ ST8

Thực hiện bài viết: hovietcan.com

Tài liệu tham khảo: Hoàng đế nội kinh (Tố vấn, Linh khu), Atlas of Acupuncture (Bách khoa châm cứu), bài giảng thầy nguyễn duy tân, thực hành châm cứu luận trị, tài liệu trên internet.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét